Chứng khoán phái sinh: Chấp nhận rủi ro

Chứng khoán phái sinh: Chấp nhận rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chu kỳ kinh tế suy yếu đang ủng hộ cho trạng thái điều chỉnh của thị trường chứng khoán toàn cầu. Tại thị trường Việt Nam, chỉ số tăng điểm trong tuần qua, nhưng các lệnh đặt giao dịch đều buộc phải chấp nhận mức rủi ro cao hơn.

Bối cảnh toàn cầu khó khăn

Nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu đang phải trải qua thời điểm biến động giá đầy rủi ro. Với chu kỳ kinh tế được dự báo tiếp tục suy yếu, dòng tiền lớn có dấu hiệu đứng ngoài và thể hiện sự cẩn trọng rất rõ.

Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 2/2023 của Mỹ cho thấy, thị trường lao động nước này, một chỉ báo tham chiếu cho chu kỳ kinh tế, đang trở nên tiêu cực hơn. Trong khi đó, nhà đầu tư đang phải đối mặt với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% nhằm kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, thông tin mới nhất về câu chuyện trái phiếu ảnh hưởng mạnh đến một số ngân hàng lớn tại thị trường dẫn dắt tạo nên những nỗi lo mới về tình trạng kinh tế.

Trong đồ thị dòng vốn thời điểm này, chỉ số VN-Index dù tăng điểm trong tuần qua, nhưng xu hướng vận động lại yếu nhất trong nhóm tài sản quan sát. Đây là hệ quả của việc điểm số tăng nhờ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi nhóm trụ này đã phải “gồng gánh” kể từ đầu năm 2023 đến nay. Do vậy, khi các mã cổ phiếu lớn thuộc nhóm ngân hàng bước vào giai đoạn điều chỉnh thì gần như chỉ số chính mất đà và lao dốc. Nhìn về góc độ thị trường chung, câu chuyện tiêu cực này không bất ngờ khi lãi suất trái phiếu tiếp tục tiến sát về vùng tăng mạnh, qua đó gợi ý thị trường kỳ vọng về khả năng lãi suất tăng mạnh hơn trong cuộc họp tiếp theo của Fed.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Với nhóm thị trường hàng hóa cho sản xuất công nghiệp, đại diện là quặng sắt, chỉ số gần như bất động, khi thị trường chưa xác định được nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn kinh tế suy yếu.

Dầu thô thì gần như mất đà tăng và loay hoay trong vùng giảm mạnh. Tài sản đầu tư tích trữ như vàng cũng bắt đầu suy yếu.

Nhìn chung, thời điểm này, thị trường chứng khoán toàn cầu dần trở nên khó khăn hơn với các kỳ vọng tăng trưởng ngắn hạn.

Giao dịch ngắn hạn chưa mang lại thành quả

Mọi xu hướng gần như bị xóa sạch trong vận động mới nhất từ chỉ số VN30. Một lần nữa, câu chuyện thị trường “rỗng” đang thể hiện rất rõ khi giá không tạo được điểm nhấn và các giao dịch ngắn hạn đều chưa mang lại thành quả với vận động này.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Yếu tố thanh khoản một lần nữa được nhấn mạnh khi càng lúc càng “teo tóp”. Thực tế, với xu hướng bất định, đặt trong tình huống kinh tế trong chu kỳ tiêu cực, dòng tiền mới cẩn trọng tham gia là hợp lý. Trước đó, chính nhờ yếu tố thanh khoản tăng tạo nên nhịp tăng cho thị trường kể từ tháng 12/2022. Nhưng khi thanh khoản cạn kiệt, thì có thể chính là lúc thị trường đảo pha, bởi không còn nhiều vị thế bán giá thấp.

Nhìn về động lượng giá, động lượng đang duy trì vùng trung tính, một lần nữa chưa đưa ra được tín hiệu hành động cho nhà đầu tư. Nếu kết hợp với việc hỗ trợ nền xoay quanh vùng 1.038 điểm từ Fibonacci, thì có thể ghi nhận bên mua lên đang thành công trong việc xây dựng nền giá hiện tại.

Sàn phái sinh có nhiều khoảng trống giá

Nếu như trong tuần trước đó, vận động giá phái sinh có thể giải thích được nhờ chỉ báo kỹ thuật, thì vận động trong tuần qua hoàn toàn liên quan đến mức chênh lệch (basis) với chỉ số cơ sở.

Cụ thể, biến động giá hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) phụ thuộc vào mức vênh basis ở vùng biên rất rộng. Quá trình này tạo ra những khoảng trống giá, khiến cho nhà đầu tư không kịp tham gia vào đầu mỗi phiên tại điểm canh hành động. Hệ quả là các lệnh đặt giao dịch trong phiên đều buộc phải chấp nhận mức rủi ro cao hơn nhiều. Đây chính là rào cản khiến cho dòng tiền lướt sóng chưa thật sự muốn tham gia.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, xu hướng giảm vẫn duy trì kể từ tháng 2/2023 và chưa được cải thiện. Có thể nhịp hồi phục “ngược sóng” từ VN30 trong tuần qua mang lại kỳ vọng cho bên mua (Long), nhưng thực tế bên bán (Short) vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Chi tiết hơn, việc giá kiểm chứng thành công ngưỡng kháng cự 1.050 điểm là lời khẳng định từ bên bán khi tác động mạnh đến chỉ báo xu hướng MACD. Chỉ báo Histogram đang trong đà tăng nhưng chuyển hướng giảm và tạo đỉnh khi đường tín hiệu xu hướng cắt ngược trở lại đường trung bình.

Mặc dù vậy, rủi ro cho bên bán đang hiện hữu khi chỉ báo RSI duy trì xu hướng tăng, hưởng lợi nhờ mức vênh basis dương cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Nhìn chung, rủi ro về giao dịch ngắn hạn đang chia đều cho cả hai bên mua và bán. Với tình huống chưa thể xác định xu hướng như hiện tại, việc đứng ngoài quan sát thị trường được xem như một chiến lược hợp lý. Với nhà đầu tư có cường độ giao dịch liên tục, cơ hội có thể đến khi VN30F1M dạt về hai biên giá 1.020 - 1.064 điểm, với lệnh mua thấp, bán cao. Tất nhiên, quản trị lệnh vẫn luôn là yếu tố tiên quyết để bảo vệ tài khoản.

Tin bài liên quan