Chứng khoán phái sinh: Cẩn trọng là tín hiệu tích cực

Chứng khoán phái sinh: Cẩn trọng là tín hiệu tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tham gia không còn “vội vã”, nhưng các vị thế nắm giữ cổ phiếu cũng không tạo sức ép bán lên chỉ số.

Lãi suất tăng vẫn là áp lực

Nhà đầu tư trên phạm vi toàn cầu vừa có một tuần giao dịch căng thẳng, mặc dù biến động giá không lớn. Nhịp tăng lãi suất cuối cùng trong năm 2022 từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dừng lại ở mức 0,5%, sau các lần tăng 0,75% trước đó. Theo đó, tốc độ cũng như sức ép từ chính sách tăng lãi suất đã giảm, mở ra những kỳ vọng mới về yếu tố kinh tế sớm phục hồi. Thêm vào đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt mạnh hơn kỳ vọng, đặc biệt là CPI cốt lõi cho thấy, Fed đã đi đúng định hướng chính sách trong năm nay.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Mặc dù kỳ vọng tích cực đến với thị trường chứng khoán, nhưng lãi suất vẫn đang tăng, trở thành “gánh nặng” cho sự hồi phục của giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Dựa trên đồ thị dòng vốn và tài sản, hiệu ứng “tin ra là bán” đang tạo áp lực lên chỉ số dẫn dắt thị trường S&P 500. Cụ thể, chỉ số tác động tâm lý quan trọng này đã ghi nhận hồi phục từ tháng 11/2022, trước thời điểm cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed cuối năm được công bố.

Qua đó, có thể thấy tâm lý kỳ vọng mức tăng lãi suất thấp hơn đã được phản ánh vào giá. Đây là lý do chính khiến S&P500 điều chỉnh mạnh ngay sau khi thông tin được công bố. Bên cạnh đó, việc lãi suất trái phiếu giảm liên tiếp và trở về khu vực “Giảm mạnh” cũng đã thể hiện rõ kỳ vọng của nhà đầu tư về “đỉnh lãi” cho chính sách điều tiết thị trường lần này.

Nhưng điểm nhấn chính thuộc về chỉ số VN-Index, khi duy trì trong trạng thái “Giảm mạnh” một thời gian dài. Do vậy, dư địa phục hồi của giá còn nhiều, mang lại kỳ vọng tăng trưởng phục hồi trong ngắn và trung hạn.

Dòng tiền cẩn trọng là tín hiệu tích cực cho VN30

Lần đầu tiên trong nhiều tuần, vận động giá từ chỉ số VN30 ổn định hơn và tích cực hơn so với hầu hết các chỉ số chung. Điều này cho thấy, dòng tiền tham gia trên thị trường đã không còn “vội vã” và các vị thế nắm giữ cổ phiếu cũng không tạo sức ép bán lên chỉ số.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Nhìn về góc độ dài hạn, VN30 đã giảm liên tiếp trong năm nay. Đồng thời, đường cản kháng cự xu hướng được gia cố mỗi khi giá phục hồi. Nhưng so với pha phục hồi kỹ thuật kiểm chứng đầu tháng 9/2022, thì nhịp tăng kỹ thuật trong tháng 12/2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khác biệt cơ bản.

Đầu tiên, thanh khoản thấp trong pha phục hồi tháng 9 thể hiện dòng tiền vẫn còn đang “mệt mỏi” trước những cơ hội khi giá phục hồi. Ngược lại, trong nhịp tăng tháng 12, yếu tố thanh khoản đảo ngược. Điều này khẳng định, nhà đầu tư đã chính thức quay trở lại. Bên cạnh đó, giá không giảm sau khi kiểm chứng thành công vùng kháng cự, mà tích lũy liên tiếp nhiều phiên trong tuần có các thông tin quan trọng. Tín hiệu này tiếp tục khẳng định, tâm lý dòng tiền đã chuyển biến tích cực hơn và chờ đợi trạng thái phục hồi tiếp diễn.

Kỳ vọng pha bứt phá kháng cự xu hướng

Đồng thuận với thị trường cơ sở, chứng khoán phái sinh thể hiện trong phiên đáo hạn trong tuần qua cũng có sự thay đổi lớn. Điểm nhấn đến từ trạng thái biến động giá, khi không còn những phiên trần - sàn hay pha biến động vượt biên độ không mang xu hướng.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Mẫu hình giá VN30F1M đang rất cổ điển, với việc giá “dựng cột” và đi cùng “cờ đuôi nheo”, cho thấy tâm lý mua lên duy trì ổn định. Bên bán (Short) tham gia từ tuần đầu tháng 12, cùng với yếu tố phân kỳ âm từ động lượng RSI, nhưng hành động bán chưa đủ để đảo ngược xu hướng tăng trưởng và một lần nữa để bên mua (Long) lấn át trong trạng thái mẫu hình “cờ đuôi nheo” hiện tại. Theo đó, kỳ vọng trạng thái tăng sẽ tiếp tục xuất hiện sau khi mẫu hình tam giác này hoàn tất.

Tuy nhiên, khi trạng thái thị trường đã trở nên rõ ràng, thì việc tham gia mua lên cần có sự cẩn trọng hơn, một phần đến từ việc rất nhiều vị thế đã kỳ vọng Long, thể hiện qua yếu tố vênh (basic) giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở sát ngưỡng 0 kéo dài trong nhiều phiên.

Theo đó, việc một số nhà đầu tư trở nên sốt ruột khi giá không còn dễ tăng sẽ là trợ lực cho bên Short tham gia “điều phối” vận động của hợp đồng tháng 1/2023. Động lượng tăng RSI cũng đang có tín hiệu phân kỳ âm tại khu vực trung tính, dẫn đến hành động Long sớm sẽ trở nên rủi ro khi giá đang tích lũy.

Nhìn chung, vị thế Long đang được thị trường, đặc biệt là vận động của chỉ số VN30 ủng hộ. Nhà đầu tư có thể cân nhắc hành động tại vùng nền kỹ thuật tại 1.040. Với tình huống giá phục hồi sớm, chiến lược mua chỉnh trong phiên nên được ưu tiên. Trong trường hợp mẫu hình kỹ thuật thất bại, nhà đầu tư có thể cân nhắc vị thế Short khi giá thủng nền 1.035, là điểm cản tâm lý cuối trong nhịp tăng lần này.

Tin bài liên quan