Theo đánh giá của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK), với đội ngũ nhân sự hành nghề chứng khoán phái sinh đã được đào tạo tính đến thời điểm này, thì đã đáp ứng được yêu cầu cho mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh.
“Ngoài 1.000 người đã được đào tạo trong năm 2016, với tiến độ triển khai khẩn trương từ đầu năm đến nay, số lượng nhân sự được đào tạo đã tăng lên khoảng 1.200 người. Số lượng này đã đủ để vận hành thị trường chứng khoán phái sinh...”, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết.
Cũng theo đại diện UBCK, ngoài các khóa học do Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC) thuộc UBCK mở và tổ chức đào tạo, để phổ cập kiến thức về thị trường chứng khoán phái sinh đến công chúng đầu tư, UBCK còn tổ chức các chương trình đào tạo trên truyền hình, phát tờ rơi, tổ chức các hội thảo…
Tuy nhiên, đáng nói là trong số hơn 1.000 người đã được đào tạo chuyên môn về thị trường chứng khoán phái sinh, thì chủ yếu là nhân sự của các công ty chứng khoán, còn nhà đầu tư cá nhân với tư cách là bên mua gần như chưa tham gia.
Trong khi theo kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán phái sinh ở các nước, chẳng hạn Hàn Quốc, sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân có ý nghĩa quan trọng đối với sự vận hành thành công của thị trường. Nó đảm bảo cho sự tương tác gần gũi, sôi động giữa bên mua và bên bán, dù rằng mức độ tham gia ban đầu của nhà đầu tư cá nhân chưa đáng kể.
Theo đại diện SRTC, dù muốn đào tạo cho các đối tượng là nhà đầu tư cá nhân, nhưng do số lượng đăng ký tham gia các khóa học quá ít, nên ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc SRTC cho biết, đến nay Trung tâm chưa thể tổ chức các lớp đào tạo riêng cho đối tượng này. Để khắc phục, SRTC đang lên phương án ghép đối tượng học này vào các lớp đào tạo nhân sự cho công ty chứng khoán.
Ít nhà đầu tư cá nhân đăng ký học chứng khoán phái sinh là không khó hiểu. Theo ông Hùng, thị trường chứng khoán phái sinh có độ rủi ro cao và là công cụ phòng vệ rủi ro, nên trong định hướng mở cửa thị trường ban đầu chủ yếu nhắm đến đối tượng đầu tư là các tổ chức, còn với nhà đầu tư cá nhân cần có thời gian để họ làm quen trước khi tham gia.
Dẫu vậy, sẽ là khiếm khuyết nếu vắng bóng nhà đầu tư cá nhân- đối tượng đầu tư chủ yếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại trong ngày khai mở thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó, cùng với cần có giải pháp thu hút nhà đầu tư cá nhân tích cực tham gia các chương trình đào tạo do SRTC tổ chức, UBCK, Sở GDCK, các công ty chứng khoán cần tăng cường triển khai các chương trình phổ biến kiến thức, truyền thông về thị trường chứng khoán phái sinh để đưa thị trường này gần hơn, rộng rãi hơn tới công chúng đầu tư, thay vì chỉ tập trung vào nhà đầu tư tổ chức như hiện tại.
Theo kinh nghiệm từ Hàn Quốc, để hoạt động đào tạo nhân sự tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trực quan, sát với thực tế, Hàn Quốc coi trọng đào tạo lý thuyết gắn với thực hành thông qua các mô hình tập giao dịch. Cách đào tạo này vừa thu hút nhà đầu tư tham gia, vừa giúp họ hình thành các kỹ năng giao dịch, nhất là với nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn chưa am hiểu gì về mảng thị trường mới này.
Trong khi đó, hoạt động đào tạo của Việt Nam hiện chỉ là học lý thuyết, mà không có các cấu phần thực hành. Lý giải tình trạng này, ông Hùng cho biết, khi bắt đầu triển khai chương trình đào tạo chứng khoán phái sinh từ năm ngoái, SRTC đã mời chuyên gia quốc tế vào khảo sát, đánh giá khả năng xây dựng các cấu phần đào tạo thực hành.
Tuy nhiên, do hệ thống công nghệ phục vụ cho hoạt động niêm yết, giao dịch, cũng như thanh toán, bù trừ ở thời điểm đó chưa định hình rõ nét, nên nếu triển khai đào tạo theo kiểu kết hợp với thực hành sẽ vừa tốn kém ngân sách, vừa không hiệu quả do vênh so với hệ thống công nghệ được triển khai trên thực tế.
Để khắc phục tình trạng này, trong các cấu phần đào tạo của SRTC đều mời các chuyên gia trực tiếp triển khai hệ thống, cũng như xây dựng các quy trình, quy chế của Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký tham gia đào tạo, nhằm cập nhật tới các học viên những diễn biến sát nhất từ thực tiễn triển khai các hạng mục để chuẩn bị cho mở cửa thị trường.