Hiện tại, nhiều nhà đầu tư Mỹ tin rằng, có rất ít khả năng rằng cú sụp đổ của Evergande có thể biến thành một cuộc khủng hoảng hệ thống như sự sụp đổ năm 2008 của Lehman Brothers. Tuy nhiên, với việc định giá cổ phiếu của Mỹ đang ở mức cao so với lịch sử và việc nới lỏng các chính sách tiền tệ dễ dàng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), một số lo ngại rằng sự sụt giảm đột ngột về khẩu vị rủi ro có thể khiến thị trường toàn cầu dễ bị bán tháo nhiều hơn mà không chỉ riêng do rủi ro từ Evergrande.
Rob Romero, Giám đốc danh mục đầu tư tại Connective Capital cho biết: “Chúng tôi có quan điểm rất thận trọng về thị trường khi đang ở mức định giá cao. Thật khó để biết sự lây lan sẽ lan rộng đến đâu. Chúng tôi đang tìm kiếm các dấu hiệu về khả năng phục hồi ở thị trường Mỹ và nếu điều đó không xảy ra, điều đó có nghĩa là sự lây lan có nhiều nguy cơ hơn thành quả cầu tuyết”.
Những lo ngại về mức độ ảnh hưởng lan rộng của Evergrande thông qua hệ thống tài chính toàn cầu xảy ra vào thời điểm mà định giá cao trên thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh.
Chỉ số S&P 500 giao dịch ở mức P/E kỳ hạn gấp 21,6 lần tính đến thứ Sáu (17/9), gần mức cao nhất kể từ bong bóng dotcom cuối những năm 1990 và trước đã tăng khoảng 18% từ thời điểm đầu năm nay.
Các nhà quản lý Trung Quốc cảnh báo rằng, khoản nợ 305 tỷ USD của Evergrande có thể dẫn đến tổn thất trên diện rộng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc nếu các khoản nợ không được giải quyết.
Lo lắng về tình trạng vỡ nợ ngày càng lan rộng trên khắp thế giới, chỉ số MSCI Global cũng giảm 1,62% trong hôm 20/9, mức giảm hàng ngày tồi tệ nhất trong hai tháng. Các nhà đầu tư toàn cầu đã đổ xô vào các thiên đường như trái phiếu Kho bạc kéo theo lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp nhất trong một tuần.
Trong một dấu hiệu khác về mối lo ngại đang gia tăng trên thị trường tiền tệ, các nhà phân tích cho biết lãi suất cho vay liên ngân hàng London (Libor) kỳ hạn 3 tháng đã tăng lên 0,125%, mức cao nhất trong 4 tuần, điều này phản ánh những lo lắng về căng thẳng tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Robert Sears, Giám đốc đầu tư tại Capital Generation Partners cho biết, có ít dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu cơ sử dụng quá nhiều đòn bẩy ở Evergrande để gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản.
“Cho đến nay hầu hết các hành động tiêu cực đều xảy ra trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Tôi không cho rằng điều này có tác động lớn đến hầu hết các quỹ đầu cơ cho đến nay”, ông cho biết.
Đồng quan điểm, Andrew Left, người sáng lập Citron Research cho biết: “Tôi không nghĩ rằng đây sẽ là mẩu rơm phá vỡ nền kinh tế toàn cầu”.
Thật vậy, một số nhà đầu tư cho rằng, việc thị trường giảm giá mạnh hôm 20/9 là do kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của chỉ số S&P 500 trong mùa Hè và những lo ngại từ cuộc tranh luận về trần nợ ở Washington đến viễn cảnh thuế tăng vốn cao hơn cũng như về biến thể delta.
Brian Jacobsen, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Wells Fargo Asset Management cho biết: “Vào tháng 9, chúng tôi nghĩ rằng với mức định giá và sự lạc quan quá cao, tâm lý nhà đầu tư có vẻ hơi dễ bị tổn thương trước một sự thay đổi mạnh mẽ nhưng ngắn hạn”.