Dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển một phần sang chứng khoán khi lãi suất huy động tiếp tục hạ

Dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển một phần sang chứng khoán khi lãi suất huy động tiếp tục hạ

Chứng khoán ngược chiều lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất cho vay có xu hướng giảm dần đang tạo kỳ vọng thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm ngân hàng chảy sang chứng khoán, từ đó tác động tích cực lên thị trường này.

Lãi suất trong xu hướng giảm

Hiện phần lớn ngân hàng đã đưa lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức 7,5%/năm, trong đó nhóm ngân hàng tư nhân lớn chủ yếu dao động trong khoảng 7 - 7,3%/năm. Đáng chú ý, một số ngân hàng tư nhân đưa lãi suất tiền gửi cao nhất xuống dưới 7%/năm. Với nhóm “Big 4” (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), lãi suất huy động cao nhất ở mức 6,3%/năm.

Lãi suất huy động có xu hướng giảm thời gian gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành liên tục chỉ trong hơn 3 tháng kể từ đầu năm, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Sau những động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động giảm dần. Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân giảm về mức 6,5 - 6,7%/năm vào cuối năm 2023, dựa trên những lý do: Nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản chưa khởi sắc, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành trong 2 quý cuối năm nay.

Đáng chú ý, mới đây, Chính phủ yêu cầu các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Theo đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5-2%/năm và các ngân hàng đã đồng thuận với mức giảm này sau cuộc họp cùng Hiệp hội Ngân hàng.

Các ngân hàng nước ngoài như HSBC, Standard & Chartered, UOB cũng cho rằng, còn dư địa để giảm lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trong quý III/2023, trước khi Ngân hàng Nhà nước tạm dừng để đánh giá các tác động.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã hành động quyết liệt hơn và kỳ vọng cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống còn 4,5%/năm. Tuy nhiên, UOB Việt Nam dự đoán, lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý III/2023 (xuống 3,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn).

Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5 - 2%/năm và các ngân hàng đã đồng thuận với mức giảm này sau cuộc họp cùng Hiệp hội Ngân hàng.

“Hoạt động xuất khẩu yếu với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6/2023 và có thể giảm lãi suất vào năm 2024, cũng như niềm tin vào tỷ giá hối đoái VND ổn định, bất chấp các đợt tăng lãi suất trước đó, đã thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất tiếp theo của Việt Nam trong năm nay", nhóm phân tích UOB Việt Nam cho hay.

Cùng góc nhìn, SGI Capital nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này cũng chỉ ra rằng, áp lực tỷ giá đang tăng trở lại. Chênh lệch lãi suất ngắn hạn của tỷ giá USD/VND vẫn đang neo ở mức cao nhất lịch sử và VND đang thuộc nhóm các đồng tiền mạnh nhất khu vực. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và triển vọng xuất khẩu của hàng Việt Nam cũng như gây lo ngại cho dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vốn nhạy cảm với rủi ro mất giá của VND.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, nếu lạm phát và tỷ giá duy trì sự ổn định như hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để giảm thêm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song khó kỳ vọng sẽ giảm mạnh khi mặt bằng lãi suất chính sách Việt Nam hiện đã tiệm cận mức lãi suất tham chiếu ở Mỹ, nhất là trong trường hợp Fed quyết định tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm.

Cơ hội cho thị trường chứng khoán bùng nổ?

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1-1,3%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm đã giúp “hạ nhiệt” lãi suất tiết kiệm cũng như cho vay.

Việc lãi vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất cho vay trong xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán.

Theo SGI Capital, việc lãi suất hạ nhiệt trong 3 tháng qua đã giúp gia tăng dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán. Quỹ đầu tư này đưa ra nhận định, lãi suất điều hành sau khi giảm mạnh sẽ không còn nhiều dư địa giảm cho tới khi Fed dừng tăng lãi suất. Dù vậy, ảnh hưởng của chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn sẽ thể hiện qua lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tác động tích cực lên thị trường tài chính và nền kinh tế.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ cho rằng, khi lãi suất tiết kiệm giảm sẽ kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán, bất động sản. Điều này thể hiện rõ khi Chính phủ thực hiện cắt giảm lãi suất kể từ cuối tháng 3 - đầu tháng 4/2023, thanh khoản trung bình mỗi ngày của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và tháng 5 đã tăng 30-40% so với tháng 2 và tháng 3. Tuy nhiên, theo bà Lệ, dù đã giảm nhưng lãi suất tiết kiệm vẫn khá cao và các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản cần có thời gian thẩm thấu, từ đó mới có thể đẩy mạnh nguồn vốn vào thị trường.

“Hiện nay, chúng tôi thấy rủi ro lạm phát, lãi suất cũng như từ các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán đã giảm, nên hiện là thời điểm phù hợp để tích lũy cho dài hạn. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư nên tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là từ xu hướng giảm lãi suất và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công”, bà Lệ chia sẻ thêm.

Các chuyên gia của VNDirect phân tích, thông thường, khi lãi suất giảm, mọi lĩnh vực đều được hưởng lợi. Riêng với chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng nên khi lãi suất giảm, thị trường đã xuất hiện những dự báo về sự phục hồi của doanh nghiệp. Từ đó, dòng tiền nhanh chóng tìm đến các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách này. Đồng thời, việc lãi vay giảm cũng khiến lợi tức của các kênh đầu tư như tiền gửi giảm đáng kể, qua đó kích thích nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm mức lợi suất cao hơn đến với kênh chứng khoán nhiều hơn. Chưa kể, với sự hỗ trợ từ tín dụng của ngân hàng, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân sẽ có thêm nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động đầu tư.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong thời gian tới khi lãi suất tiền gửi giảm thấp. Theo đó, lãi suất huy động (bình quân) kỳ hạn 12 tháng có thể giảm về mức 6,5-6,8%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa trong năm 2024. Do đó, dòng tiền nhiều khả năng sẽ dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi mặt bằng lãi suất trong nước giảm rõ nét hơn. Lãi suất giảm sẽ tác động tích cực tới thị trường thời gian tới, cũng như giúp giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán.

Còn theo nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay là một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường, vì xu hướng trên thế giới vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed cũng đưa ra thông tin sẽ tiếp tục duy trì chính sách này và ngay cả những thành viên lạc quan nhất cũng không cho rằng, Fed sẽ hạ lãi suất trong 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, Việt Nam đang thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bởi nếu chỉ nới lỏng, trong trường hợp lạm phát quay trở lại thì sẽ khó kiểm soát…

Tin bài liên quan