Hoạt động kinh doanh khởi sắc
Một yếu tố quan trọng và mang tính nền tảng tác động tích cực đến chỉ số VN-Index là diễn biến khởi sắc trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Theo số liệu thống kê về tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh trên sàn HOSE trong năm 2017, tổng lợi nhuận khối các doanh nghiệp tăng 27,5%, nhờ vậy EPS bình quân của cả thị trường cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 19,6% so với cùng kỳ các năm trước.
Đây là mức tăng khá đột biến nếu so sánh với tăng trưởng lợi nhuận các năm gần đây là 2014, 2015 và 2016 lần lượt ở mức 8,1%, 8,6% và 6,0%. Dự báo cho năm 2018, dựa theo dự phóng kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp lớn, tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS của thị trường sẽ ở mức 12%. Điều này đồng nghĩa với việc nếu định giá P/E của thị trường không đổi ở mức hiện tại, chỉ số VN-Index sẽ có thể tăng trưởng 12% trong năm 2018.
Ông Nguyễn Xuân Bình
Bên cạnh đó, định hướng chính sách tiền tệ của Chính phủ về điều hành cung tiền, tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục có tác động mang tính chi phối đến xu hướng chủ đạo của thị trường trong năm 2018.
Về tổng thể, nếu không có cú sốc nào lớn từ giá dầu (hoặc các yếu tố nằm ngoài dự đoán tương tự như ảnh hưởng của giá thịt lợn trong năm 2017) dẫn đến CPI tăng vượt dự đoán thì vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2018 với liều lượng tương đương 2017 để giữ nhịp tăng trưởng.
Với điều kiện và tình hình phát triển hiện tại của kinh tế Việt Nam, mức độ tăng cung tiền từ 16% - 18% được xem là vùng hợp lý, vừa đảm bảo mục tiêu kích thích kinh tế, vừa hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực lên lạm phát và mặt bằng lãi suất. Như vậy, đây vẫn được coi là yếu tố quan trọng và một trong những động lực hỗ trợ dòng tiền chảy vào thị trường trong năm 2018.
Triển vọng nâng hạng hiện hữu
Đối với câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market) theo chuẩn MSCI, triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam là hiện hữu. Tuy nhiên, quá trình xem xét nâng hạng nhiều khả năng sẽ kéo dài và còn khá nhiều vấn đề Việt Nam cần nỗ lực khắc phục để được MSCI chấp thuận.
Ngoài ra, có thêm 1 diễn biến mới trong quý IV/2017 vừa qua là các quỹ ngoại đã dành thêm nhiều sự quan tâm đối với câu chuyện này.
Trên thực tế, điều này sẽ tạo chất xúc tác cho MSCI phải đánh giá sát sao hơn và các nhà điều hành của Việt Nam cũng sẽ có thêm động lực để giải quyết một số vấn đề tồn đọng nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng. Đây được coi là yếu tố tạo kỳ vọng cho thị trường trong năm 2018, có thể kỳ vọng MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách xem xét (review list) sớm nhất vào năm 2019.
Đáng chú ý, theo quan sát các nước được nâng hạng trong quá khứ, thị trường thường có diễn biến tích cực nhất trong 1 - 2 năm trước khi được vào review list của MSCI (do yếu tố kỳ vọng). Sau đó, mức tăng của các thị trường có phần chững lại và điều chỉnh.
Vì vậy, nếu kỳ vọng 2019 là năm TTCK Việt Nam được đưa vào review list cho việc xem xét nâng hạng, thì 2017, 2018 sẽ là các năm thị trường được hưởng lợi nhiều nhất nhờ vào yếu tố kỳ vọng và các quỹ đầu tư nước ngoài tăng cường giải ngân để đi trước đón đầu quyết định của MSCI.
Thêm nhiều nguồn hàng tốt
Quay trở lại câu chuyện IPO, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, mặc dù hoạt động IPO trong năm 2017 đã có phần chững lại so với các năm trước, với chỉ khoảng 24 doanh nghiệp thực hiện IPO qua sàn, tổng số vốn thu về là 2.722 tỷ đồng, tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2017, thị trường đã đón nhận nhiều thông tin về các đợt IPO lớn sẽ diễn ra vào đầu năm 2018. Cụ thể, 3 doanh nghiệp BSR, PV Oil, PVPower lần lượt thực hiện IPO vào các ngày 17/01, 25/01 và 31/01.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp lớn khác có kế hoạch IPO trong giai đoạn đầu năm 2018 như VRG, Vicem, EVN Genco… Mức giá đấu thành công của các đợt IPO này sẽ có tác động lan tỏa đến diễn biến của nhóm cổ phiếu cùng ngành đang niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, điều này sẽ được phản ánh mang tính kỳ vọng, tùy thuộc tình hình hoạt động và triển vọng tăng trưởng của từng doanh nghiệp.
Trái ngược với sự trầm lắng của hoạt động IPO các doanh nghiệp lớn trong năm 2017, hoạt động thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước trong năm nay có mức tăng trưởng đột biến nhờ vào 2 thương vụ lớn là VNM và SAB (nhà nước thu về tổng cộng gần 119 nghìn tỷ đồng).
Sau 2 phiên đấu giá thành công này, tâm lý thị trường đều chuyển biến theo hướng tích cực, hỗ trợ chỉ số VN-Index tăng điểm. Các phiên chào bán vốn nhà nước trong năm 2018, nếu diễn ra thành công, cũng sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường, cũng như nhóm cổ phiếu có liên quan.
Dù vậy, ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nên thận trọng với nguồn cung cổ phiếu lớn bơm ra thị trường trong năm 2018. Đứng từ góc độ quản lý danh mục của các quỹ đầu tư, để sẵn sàng nguồn lực tham gia vào các thương vụ IPO, thoái vốn nhà nước, ngoài việc cố gắng tăng quy mô hoạt động của quỹ thì ít nhiều họ vẫn phải thực hiện tái cấu trúc danh mục. Hệ quả sẽ có một lượng cổ phiếu rơi xuống nhóm dưới và không còn thuộc diện ưu tiên như trước trong danh mục đầu tư của các quỹ, bị bán ra và sụt giảm về giá.
Tuy nhiên, nếu xét tổng thể toàn thị trường thì những tác động tích cực vẫn sẽ nhiều hơn tác động tiêu cực vì nhóm cổ phiếu bị rơi xuống tốp dưới này sẽ không chiếm tỷ trọng vốn hóa quá lớn. Quan trọng hơn, chu kỳ của nền kinh tế và thị trường đang nằm trong giai đoạn tăng trưởng nên xu hướng huy động thêm vốn của các quỹ vẫn sẽ thuận lợi.
Dự báo giá dầu lạc quan
Ngoài ra, diễn biến giá dầu cũng là một trong những yếu tố có tầm ảnh hưởng nhất định đến diễn biến thị trường năm 2018. Trong năm 2017, giá dầu trải qua giai đoạn biến động mạnh với diễn biến sụt giảm trong nửa đầu năm, xuống mức đáy của dầu Brent ở 42 USD/thùng, trước khi hồi phục mạnh mẽ và giao động quanh mức trên 60 USD/thùng trong các tuần cuối năm.
Sang năm 2018, với việc đưa ra dự đoán sản lượng khai thác sẽ tăng mạnh hơn so với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tồn kho dầu toàn cầu sẽ gia tăng trong năm 2018, giá dầu Brent bình quân trong năm 2018 sẽ ở mức 57 USD/thùng, giảm so với hiện tại, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân 54 USD/thùng của năm 2017.
Trong khi đó, hàng loạt các ngân hàng mới đây cũng đưa ra các dự báo giá dầu với đánh giá mang tính lạc quan hơn. Đáng chú ý là báo cáo của Goldman Sachs với dự báo giá dầu Brent bình quân sẽ tăng lên mức 62 USD/thùng nhờ kỳ vọng OPEC sẽ tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng một cách mạnh mẽ, trong khi tăng trưởng kinh tế sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng. Các tổ chức tài chính khác như Citigroup, Deutsche Bank AG, BMI Research… đưa ra các dự đoán khác nhau, lần lượt ở mức 54 USD/thùng, 65 USD/thùng và 57 USD/thùng…
Nhìn chung, nếu không có cú sốc hoặc biến cố lớn tác động mạnh đến giá dầu (đặc biệt là liên quan đến khả năng xảy ra cuộc chiến tranh giữa Ả Rập Xê út và Iran), giá dầu Brent bình quân năm 2018 có thể ở mức 59 USD/thùng, tăng trưởng xấp xỉ 10% so với mức bình quân 54 USD/thùng trong năm 2017.
Khi đó, giá dầu vừa không gây áp lực quá lớn lên CPI, vừa tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhóm dầu khí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là khả năng tái khởi động các dự án lớn của ngành như Lô B Ô Môn, Nam Côn Sơn 2, Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh...
Có thể thấy, các yếu tố trên đa phần đều mang màu sắc tích cực và động lực tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong năm 2018 là tương đối rõ nét. Tuy nhiên sau nhịp tăng có phần đột biến của chỉ số VN-Index trong năm 2017, đẩy P/E của thị trường lên mức cao trong khu vực, tôi cho rằng, kỳ vọng của nhà đầu tư đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến của giá cổ phiếu.
Điều này hàm ý mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2018 nhiều khả năng sẽ có phần chậm lại. Thị trường có thể sẽ xuất hiện một vài đợt điều chỉnh đan xen để cân bằng lại tâm lý cho nhà đầu tư và chờ đợi khớp nối giữa yếu tố kỳ vọng đã được phản ánh và những chuyển biến trên thực tế của nền kinh tế và cả từ câu chuyện về triển vọng nâng hạng theo MSCI (sẽ ra báo cáo cập nhật vào cuối tháng 6).
Đối với triển vọng các nhóm ngành tiềm năng năm 2018, tôi tiếp tục đánh giá cao các ngành được hưởng lợi từ chu kỳ hồi phục của nền kinh tế vĩ mô như bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng bên cạnh các ngành đang được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng nhờ các chuyển biến nội tại trong ngành như dầu khí, công nghệ thông tin, nhiệt điện và dệt may.