Đầu năm xu hướng “xanh”
“VN-Index được dự báo sẽ sụt giảm trong tháng 1 và tăng giảm đan xen trong xu hướng đi lên đến hết tháng 8, rồi giảm lại vào cuối năm 2016…”, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích của BSC đưa ra dự báo như vậy tại Hội thảo về triển vọng ngành và cơ hội TTCK năm 2016, do BSC phối hợp với Sở GDCK Hà Nội vừa tổ chức, với sự tham gia của đông đảo NĐT.
Đại diện BSC phân tích thêm, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá là yếu tố cần lưu tâm và ảnh hưởng ít nhiều đến diễn biến thị trường. Cũng giống như 2015, dòng tiền sẽ không tích cực trong 6 tháng đầu năm 2016.
BSC đánh giá khả quan với các ngành: bất động sản (VIC, DXG, KDH...), xây dựng (CTD, HBC...), gạch men (CVT, VIT, TTC...), công nghệ (FPT, CMG, ITD), cảng biển (GMD, PHP, VSC), dệt may (TNG, TCM), điện (NT2, PPC, SJD, CHP), sữa (VNM), phân bón (DPM, BFC).
Dù vậy, dòng tiền dự báo sẽ cải thiện vào cuối năm nhờ sự thay đổi có tính chất kỹ thuật cho phép NĐT giao dịch T+0 và bán khống ở cấp độ thấp theo quy định tại Thông tư 203/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên TTCK. Vòng quay tiền, cổ phiếu sẽ tăng mạnh và bù đắp cho sự hạn chế tăng trưởng của dòng tiền, giúp cho thanh khoản được cải thiện.
Theo nghiên cứu của BSC, thị trường nhiều khả năng sẽ có một đợt tăng điểm rõ rệt vào giữa tháng 2 đến tháng 3/2016 khi các DN công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, dự kiến kết quả kinh doanh quý I/2016 và ĐHCĐ năm 2016 (dự kiến nhiều DN sẽ thông qua nội dung mở room cho NĐT nước ngoài) cùng với các công ty công bố mở room và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiến hành những bước đi ban đầu trong việc thoái vốn, sẽ thu hút trở lại dòng vốn ngoại.
Dòng tiền khối ngoại nhiều khả năng sẽ quay lại theo chu kỳ khi triển vọng kinh tế vĩ mô tăng trưởng, các giải pháp ổn định tỷ giá và lãi suất phát huy hiệu quả. Mặt bằng cổ phiếu ở mức hợp lý, tạo khoảng giá an toàn cho hoạt động đầu tư…
Trong 6 tháng cuối năm, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu ứng của việc thực thi Thông tư 203/2015, xu hướng vận động của kinh tế trong nước và quốc tế, cũng như hiệu quả của các chính sách thu hút vốn ngoại từ mở room và SCIC thoái vốn. Trong giai đoạn này, các thông số vĩ mô như lãi suất và tỷ giá sẽ quyết diễn biến của thị trường…
Nên “xuống tiền” vào ngành nào?
“Kể từ khi BSC bắt đầu thực hiện các báo cáo đánh giá ngành hàng năm (từ năm 2012) và review hàng quý (từ năm 2015), chưa bao giờ việc lựa chọn ngành đầu tư trở nên khó khăn như hiện tại…”, ông Long cho biết và phân tích thêm, giai đoạn 2012-2015, lãi suất giảm dần và duy trì ở mức thấp, giá nguyên vật liệu giảm là yếu tố nền tảng giúp các DN cải thiện kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, hiện lãi suất có khả năng tạo đáy và sẽ bắt đầu tăng nhẹ trở lại từ năm 2016, cùng với các yếu tố biến động khác khiến tăng trưởng kết quả kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào nội lực của DN và các ngành.
Nhiều khả năng triển vọng TTCK trong nửa năm đầu sáng sủa hơn phần còn lại của năm, nên NĐT cần tập trung vào các ngành hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, từ giá nguyên vật liệu thấp, các cổ phiếu cơ bản có cổ tức cao và trong diện thoái vốn nhà nước hoặc hết room.
Trên cơ sở phân tích 2 nội dung lớn: nhóm chính sách và thông tin có ảnh hưởng tới ngành năm 2016; đánh giá chu kỳ kinh tế và mức độ chấp nhận định giá các ngành, trong năm nay, BSC đánh giá khả quan với các ngành: bất động sản (VIC, DXG, KDH...), xây dựng (CTD, HBC...), gạch men (CVT, VIT, TTC...), công nghệ (FPT, CMG, ITD), cảng biển (GMD, PHP, VSC), dệt may (TNG, TCM), điện (NT2, PPC, SJD, CHP), sữa (VNM), phân bón (DPM, BFC).
Nghiên cứu của BSC đưa ra đánh giá trung lập với các ngành: nhựa (BMP, NTP), thép (HSG, NKG), mía đường (SLS)...
BSC nhìn nhận kém khả quan với các ngành: vận tải biển (PVT, GSP), dược (DHG, IMP), thủy sản (VHC), dầu khí (CNG, PGS, PVG)…
Theo dự báo của BSC, năm 2016, các lựa chọn đầu tư sẽ thiên về hướng phòng thủ hơn với các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định, dài hạn, các cổ phiếu đầu ngành, có định giá hấp dẫn và có mức lợi tức cao.