Thực tế cho thấy, tháng 6 thường là một trong những thời điểm thị trường chứng khoán ghi nhận giai đoạn “bằng phẳng” nhất trong năm và màn trình diễn của chỉ số chứng khoán S&P 500 giai đoạn này không nằm ngoài quy luật đó. Tháng 6 cũng đánh dấu một trong những “điểm rơi” lớn nhất của cổ phiếu trong lịch sử chứng khoán Mỹ, chỉ sau tháng 8 và tháng 9.
“Nhiều khả năng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục vận động trong xu thế đó trong mùa Hè này. Nếu giới đầu tư không nhận được những tín hiệu tích cực từ lợi nhuận doanh nghiệp trong quý II/2017, hoặc các nhân tố chính trị không thuận lợi, thì thị trường nhiều khả năng sẽ rơi vào một ‘khoảng lặng’ đáng lo ngại”, chuyên gia phân tích thị trường cổ phiếu Kate Moore tại BlackRock nhận định.
Trong thời gian qua, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ vận động theo xu hướng giá lên, bất chấp các yếu tố bất ổn chính trị đe dọa như: tranh cãi không dứt xung quanh mối quan hệ giữa chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump và Nga; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất; những cải cách thuế của chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đình trệ…
Khép lại tháng 5, chỉ số S&P 500 tăng trưởng 1,2%, ghi nhận tháng tăng trưởng tích cực và là tháng có mức tăng tốt nhất kể từ tháng 2/2017. Tương tự, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 2,6% trong tháng 5 và đánh dấu tháng tăng thứ 7 liên tiếp, chuỗi tăng tích cực kéo dài nhất kể từ tháng 5/2013.
Theo bà Moore, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I vừa qua là khá tích cực. Các công ty nhìn chung có màn trình diễn tốt và tái khẳng định triển vọng tăng trưởng cho năm 2017. Tuy nhiên, niềm tin của giới đầu tư về môi trường kinh doanh đang có xu hướng xói mòn, khi các chính sách cải cách và kích thích kinh tế của Tổng thống Donald Trump bị trì hoãn.
Cựu chuyên gia phân tích chiến lược đầu tư James Paulsen tại Wells Capital Management nhận định: “Tổng thống Donald Trump mang đến làn sinh khí và kỳ vọng cao cho thị trường, song thực tế chỉ tạo ra những thay đổi về mặt tâm lý và niềm tin. Một khi niềm tin bị giảm sút thì triển vọng tích cực của thị trường sẽ xoay chuyển theo một hướng khác, ít nhất trong giai đoạn còn lại của năm”.
Bên cạnh đó, một số chiến lược gia khác còn thận trọng hơn về một số rủi ro mà chứng khoán Mỹ phải đối mặt, trong đó có “bong bóng” nợ tại Trung Quốc. Đó còn là chưa kể đến việc Fed có thể đưa ra các động thái gây bất ngờ đối với thị trường nếu dữ liệu kinh tế Mỹ không tốt như kỳ vọng.
Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ thực hiện 2 đợt tăng lãi suất nữa và bắt đầu tiến trình cân đối lại bảng quyết toán ngân sách của mình trong năm nay. Thị trường hiện đang đồn đoán về khả năng đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 14/6 tới.
Một điểm đáng chú ý khác trên thị trường chứng khoán Mỹ là sự tăng tốc mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ. Theo số liệu thống kê, tính chung từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng trên 7,5%, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ ghi nhận mức tăng còn lớn hơn nhiều.
Mới đây nhất, Tập đoàn thương mại điện tử Amazon.com đã phá vỡ ngưỡng tâm lý khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 30/5, tăng tới 40% so với một năm trước đó. Các “ông lớn” khác trong làng công nghệ Mỹ như Facebook hay Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng chứng kiến mức tăng giá trị cổ phiếu đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, nhà chiến lược đầu tư toàn cầu Paul Christopher tại Wells Fargo Investment Institute cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sớm đạt đỉnh trước khi chững lại trong giai đoạn mùa Hè.
Ông Christopher cho rằng, thị trường đang tập trung cao độ cho yếu tố giá trị, tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận trên cổ phiếu của chỉ số S&P sẽ sớm trở lại mức thông thường, so với ngưỡng kỷ lục 17,6% trong vòng 12 tháng qua.