Chứng khoán Mỹ sắp có sóng mới

Chứng khoán Mỹ sắp có sóng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều "ông lớn" phố Wall nhận định, cổ phiếu giảm giá là cơ hội mua vào, với kỳ vọng những gói kích thích mới sẽ được tung ra và nền kinh tế sớm hồi phục.

Điều chỉnh là cơ hội

Các nhà chiến lược tại Goldman Sachs Group Inc., JPMorgan Chase & Co. và Evercore ISI nằm trong số những người dự đoán sẽ có sự đổi màu của cổ phiếu. Giá cổ phiếu châu Á tụt mạnh hôm thứ Năm tuần trước, sau khi chỉ số S&P 500 chuyển đỏ với mức giảm tệ nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Peter Oppenheimer, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu toàn cầu tại Goldman Sachs nói trên Bloomberg Television: “Diễn biến gần đây nên được coi là sự điều chỉnh cho một đợt sóng mới, khả năng cao là chu kỳ và giá trị sẽ dẫn dắt cổ phiếu hồi phục”. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh về sự tăng trưởng của thị trường trên cơ sở kinh tế và lợi nhuận vững mạnh sau khi doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi tốt hơn.

Những nhân tố điều hướng thị trường

Giai đoạn bùng nổ của chứng khoán toàn cầu đã bị đứt gãy sau lệnh phong tỏa nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và sự không chắc chắn về thời hạn cho kế hoạch tung ra gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Marko Kolanovic của JPMorgan khuyên nhà đầu tư nên bỏ qua những cảnh báo về bong bóng cổ phiếu trước đó và tận dụng việc cổ phiếu đang bị bán tháo để tích cóp thêm.

Kolanovic cho rằng, bất cứ sự sụt giảm nào của thị trường, chẳng hạn sự thay đổi do định vị lại một phân khúc của cộng đồng đầu tư ngắn hạn hay dài hạn đều là cơ hội để mua vào.

Chỉ số S&P 500 tương lai giảm 1,1% vào đầu phiên thứ Năm tuần trước, tính theo ngày giao dịch của châu Á và giảm tiếp 0.4% vào lúc 11h50 sáng tại Tokyo. Diễn biến giảm này bắt nguồn từ sự thất vọng của nhà đầu tư sau khi báo cáo thu nhập từ một số doanh nghiệp lớn như Apple Inc., Tesla Inc. được công bố.

Rich Ross, làm việc tại Evercore ISI, cũng khuyên các nhà đầu tư mua vào trong khi chỉ số S&P 500 đang giảm, bởi thị trường trước đó không bị “quá mua” và triển vọng vẫn sáng.

Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ hôm Thứ tư, sự khó khăn của lĩnh vực hàng không tại Mỹ đã giữ chân các giao dịch hàng hóa bền vững của Mỹ, nhưng lĩnh vực sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi.

Số lượng đơn đặt hàng cho các mặt hàng sản xuất lớn trong tháng 12/2020 tăng 0,2% so với tháng 11 và so với cùng kỳ năm 2019, tổng số lượng đơn hàng tăng 1,4%.

Rubeela Farooqi, làm việc tại High Frequence Economics nhận xét, lĩnh vực sản xuất và lắp rắp đang khá ổn định, kể cả khi dịch bệnh khiến cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng…

“Số phận của nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa Covid-19. Số ca lây nhiễm và tử vong gia tăng trở lại đã đẩy hàng triệu người Mỹ vào tình cảnh khó khăn, đồng thời tạo gánh nặng lên các hoạt động kinh tế và tạo việc làm”, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận xét hôm thứ Tư.

Chủ tịch Fed cho rằng, mặc dù các gói cứu trợ tới từ Chính phủ đã có tác dụng tích cực lên nền kinh tế, song Mỹ vẫn cần phải hồi phục ít nhất 9 triệu việc làm nếu muốn đạt tới mục tiêu giải quyết tình trạng thất nghiệp. Ông cam kết duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp cho tới khi vấn đề việc làm được giải quyết.

Trước khi Covid-19 hoành hành, lãi suất ở Mỹ không tăng, sau đó giảm sâu dưới mức mục tiêu 2%/năm mà Ngân hàng Trung ương đề ra, chỉ còn 0 - 0,25%/năm. Lãi suất này của Fed được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng từ mức thấp gần kỷ lục, 3,4% trước khi đại dịch bùng phát, lên gần 15%, sau đó giảm xuống 6,7% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ông Powell nhận định, dịch bệnh đã “đá” nhiều người ra khỏi lực lượng lao động, nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể lên tới gần 10%.

“Fed đang thoải mái với chính sách tiền tệ hiện thời. Trong thời gian này, các chính sách tài khóa đã trở thành tâm điểm của sự chú ý, điều mà Fed sẵn lòng đón nhận”, Mickey Levi của Berenberg Capital Market nhìn nhận.

Hiện Fed vẫn duy trì việc chi ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu cho tới khi có thêm bước tiến quan trọng tới mục tiêu tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả. Theo ông Powell, còn quá sớm để đánh giá xem liệu có nên cân nhắc việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu.

Tin bài liên quan