Chứng khoán Mỹ nhận trợ lực từ cuộc đua vào Nhà Trắng

Chứng khoán Mỹ nhận trợ lực từ cuộc đua vào Nhà Trắng

(ĐTCK) Trước mối lo dịch bệnh gây ra bởi virus Corona bùng phát, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng đã có khởi đầu năm 2020 không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, các tổ chức kinh tế lớn đánh giá, chứng khoán Mỹ có nhiều động lực để tăng trưởng, một trong số đó là hiệu ứng từ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Diễn biến tích cực

Mặc dù tính tới cuối tuần trước, số ca tử vong vì dịch cúm do virus Corona gây ra đã vượt qua con số của dịch SARS, song các số liệu mới do Trung Quốc công bố cho thấy, tình hình lây nhiễm đã chậm lại.

Mọi tiến triển xung quanh dịch bệnh mới này đã phần nào giảm bớt áp lực đối với thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, việc chỉ số S&P 500 chỉ giảm 3,5% trong thời gian qua là khá khiêm tốn so với diễn biến tại các thị trường châu Á.

Chẳng hạn, chỉ số SCI 300 của Trung Quốc đã giảm hơn 9% trong 11 phiên giao dịch đầu tiên sau khi mở cửa trở lại, trong khi chứng khoán Mỹ nhanh chóng phục hồi lại mức trước khi bị bán tháo.

Việc thị trường Mỹ khởi sắc đã cổ vũ tâm lý cho nhiều thị trường khác trên toàn cầu, đồng thời xoa dịu tâm lý lo lắng của nhà đầu tư.

Đáng chú ý, theo giới chuyên gia, với việc dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu sẽ có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cuối tuần trước, các số liệu sản xuất công nghiệp của Đức và Pháp được công bố cho thấy kết quả tệ hơn nhiều so với những dự báo trước đó, thúc đẩy đà bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu… Đây là lý do nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Động lực từ bầu cử

Không ít nhà đầu tư nhận ra rằng, tại Mỹ, mỗi khi ứng viên Đảng Cộng hòa dẫn trước trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thị trường chứng khoán lại có những phiên giao dịch đầy hào hứng.

Tuy nhiên, các số liệu lịch sử chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán Mỹ luôn có diễn biến tích cực mỗi năm diễn ra bầu cử.

Chẳng hạn, nhìn vào cuộc bầu cử của 2 ứng cử viên Barack Obama và Donald Trump, chiến thắng của mỗi ứng cử viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đều dẫn tới những biến động mạnh của thị trường.

Chỉ số S&P 500 giảm 5,3% vào tháng 11/2008 và tháng 11/2012 khi ông Obama thắng cử, hay giảm kịch biên độ chỉ vài phút sau khi ông Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton.

Tuy nhiên, các tín hiệu “hoảng loạn” ban đầu không kéo dài. Dưới thời Tổng thống Barack Obama và Donal Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đã gia tăng thêm 28.000 tỷ USD.

Đà tăng trung bình của chỉ số S&P 500 dưới nhiệm kỳ của Đảng Dân chủ kể từ năm 1928 tới nay là 27,7%, theo số liệu của Leuthold Group LLC, so với con số 30,2% dưới thời của Đảng Cộng hòa. Hiện tại, kể từ khi ông Trump thắng cử, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 56%.

Nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường chứng khoán sẽ có nhiều bất ổn vào khoảng thời gian 3 tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2020.

Tuy nhiên, theo Morgan Stanley, trừ trường hợp một đảng giành chiến thắng tuyệt đối, dẫn tới thay đổi đáng kể trong chính sách, còn không tính bất ổn của thị trường chứng khoán sẽ ở mức thấp.

“Đà giảm 3,5% của chỉ số S&P 500 thời gian qua vì mối lo dịch bệnh là khiêm tốn. Từ nay tới tháng 6/2020, chỉ số này có thể tăng hơn 5%”, báo cáo mới nhất của Morgan Stanley nhận định.

Tin bài liên quan