Chỉ số tăng mạnh
Chỉ số Dow Jones Industrial đã tăng 42% kể từ mức đáy khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Chỉ số S&P 500, thể hiện diễn biến thị trường chung, tăng khoảng 46% kể từ mức thấp nhất trong tháng 3 và đang giao dịch ở mức giá cao hơn khoảng 6% so với giá trung bình 50 tuần - một tín hiệu kỹ thuật cho thấy nhà đầu tư không chỉ mua vào cổ phiếu, mà còn thoải mái với việc nắm giữ vị thế trong dài hạn.
Sự tự tin này chủ yếu xuất phát từ việc các thành viên thị trường tin tưởng rằng, Fed sẽ làm tất cả để hỗ trợ đà tăng của chứng khoán, trong khi gói cứu trợ mới trị giá hơn 1.000 tỷ USD nhiều khả năng sẽ được kích hoạt.
Fed đã có những hành động nhanh chóng kể từ khi đại dịch bùng phát, duy trì lãi suất ở mức thấp và bắt đầu mua vào nhiều loại tài sản để thúc đẩy thanh khoản trên thị trường. Trong cuộc họp chính sách cuối tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0 và Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, cơ quan này chưa có ý định nâng lãi suất trong thời gian tới.
Điều mà thị trường chứng khoán chờ đợi chính là lời xác nhận này. Tuy nhiên, mức tăng của thị trường đã cao, thậm chí có dấu hiệu “bong bóng”, nếu không được tiếp tục bơm “khí”, thị trường có thể “xì” dần.
Kỳ vọng gói cứu trợ hơn 1.000 tỷ USD
Nhiều ý kiến cho rằng, Fed không thể đơn độc chống lại tác động tiêu cực từ đại dịch và duy trì đà tăng của thị trường chứng khoán. Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường cần được bơm thêm tiền - chính xác là 1.000 tỷ USD của gói hỗ trợ mới đang được hứa hẹn.
Cho tới nay, sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đã tỏ rõ hiệu quả với thị trường chứng khoán, nhưng vấn đề hiện tại là gói hỗ trợ mới có phần chậm trễ.
Theo giới chuyên gia, thị trường chứng khoán có phần lừng khừng trong vài tuần qua, bởi chưa có kết quả rõ ràng về gói hỗ trợ đại dịch mới.
Giới chức Mỹ đã thống nhất quan điểm về việc cần có thêm gói nới lỏng, nhưng quá trình đang thực hiện rất chậm và có 2 điểm mấu chốt chưa được giải tỏa: chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tổng mức chi tiêu trong chương trình mới.
Mặc dù vậy, với hàng loạt số liệu kinh tế tiêu cực vừa được công bố, từ GDP giảm 32,9% trong quý II/2020 - mức giảm sâu nhất gần 100 năm qua, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp quay lại xu hướng tăng, cuộc bầu cử Tổng thống chỉ còn 3 tháng sẽ diễn ra…, nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ sớm hoàn thiện dự thảo cho gói hỗ trợ kinh tế mới.
Trường hợp không có gói cứu trợ mới được thực hiện, đây có thể là cú đánh chí mạng đối với cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Michael Gapen, nhà kinh tế tại Barclays cho biết, hiện tại, các công ty công nghệ đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, với báo cáo lợi nhuận tích cực. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng không được truyền động lực từ thung lũng Silicon và công ty công nghệ.
“Kế hoạch chi tiêu giai đoạn mới của Chính phủ đóng vai trò quyết định”, Michael Gapen nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương bơm thêm tiền ra thị trường, dòng tiền chi phí thấp sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, thu hút thêm lớp nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường chứng khoán. Khi dòng tiền giá rẻ tiếp tục chảy mạnh, dòng vốn đầu tư sẽ lan tỏa ra các thị trường trên toàn cầu, trong đó các thị trường mới nổi được đánh giá là điểm đến được ưa chuộng.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Tài chính Quốc tế (IIF), dòng vốn của các cá nhân nước ngoài chảy vào các thị trường mới nổi tăng 10 lần trong tháng 6, đạt 32,9 tỷ USD so với mức 3,2 tỷ USD trong tháng 5/2020.