Chứng khoán Mỹ đã trở nên đắt đỏ, đến lúc quay lại với các thị trường mới nổi

Chứng khoán Mỹ đã trở nên đắt đỏ, đến lúc quay lại với các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán duy nhất đi lên kể từ đầu năm tới nay là Mỹ, nhờ vào chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, góp phần nâng cao lợi nhuận của các công ty nội địa.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ chính sách mới này đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu và nhiều dấu hiệu cho thấy, chứng khoán Mỹ đang được đánh giá quá cao, với P/E dự tính ở mức 18 lần và P/E trượt (P/E trailing) là 25 lần.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu bị bỏ lại khá xa phía sau, với hầu hết các chỉ số chứng khoán bên ngoài nước Mỹ (ngoại trừ Nhật Bản) đều đi xuống, hoặc có màn biểu diễn kém hơn kể từ đầu năm tới nay.

Trong bối cảnh khoảng cách chênh lệch ngày càng cách biệt, có một điều mà giới đầu tư cần ghi nhớ rằng, mọi xu hướng đều sẽ đến thời điểm đảo ngược.

Dù trong vài tuần, vài tháng hay cả năm, tới một thời điểm thích hợp thì các cổ phiếu đang được ưu ái bậc nhất tại Mỹ cũng sẽ mất đi sức hấp dẫn và một lần nữa, cổ phiếu tại các thị trường mới nổi - vốn đang lép vé hơn sẽ gia tăng sự thu hút.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm đó đang đến gần, khi thực tế cho thấy, cổ phiếu của các thị trường mới nổi như Trung Quốc, các quốc gia phía đông châu Âu, Mỹ - Latinh (hoặc tại các thị trường phát triển như Nhật Bản) đều đang giao dịch dưới giá trị, trong khi cổ phiếu Mỹ đã trở nên quá đắt đỏ. Có thể một số ý kiến cho rằng:

Tại sao không mua cổ phiếu Mỹ trong khi giá đang lên? Câu trả lời là, những cổ phiếu bị định giá quá cao sẽ mang lại lợi nhuận không được như kỳ vọng trong tương lai, trong khi những cổ phiếu dưới giá trị sẽ mang tới những con số ấn tượng hơn.

Cụ thể, nhà đầu tư có thể cân nhắc bằng 2 phương pháp đo lường giá trị thông dụng nhất, đó là tỷ suất cổ tức và tỷ số P/E. Hiện tại, cổ phiếu Mỹ đang có P/E dự tính là 18 lần.

Trong khi đó, tỷ số P/E trung bình trong dài hạn của các chứng khoán Mỹ là 15 lần. Dựa theo phương pháp đo lường này, giá các chứng khoán Mỹ đang được đánh giá cao hơn khoảng 20% so với giá trị hợp lý.

Trong khi đó, cổ phiếu tại các thị trường mới nổi hiện đang giao dịch ở P/E dự tính khoảng 11 lần, trong khi P/E trung bình dài hạn vào khoảng 16 lần.

Điều này cho thấy, cổ phiếu của các chứng khoán tại thị trường mới nổi đang giao dịch thấp hơn 30% so với giá trị hợp lý. Các chuyên gia kinh tế nhận định, điều mà các nhà đầu tư đang làm hiện tại chỉ là theo đuổi xu hướng. Họ tiếp tục mua vào trong khi không có cái nhìn tổng quan về những giá trị sẽ mang lại.

Nếu cảm thấy phân tích P/E chưa đủ thuyết phục, vẫn còn có một lý do nữa để cân nhắc lại. Theo đó, cổ phiếu Mỹ đang mang lại lợi tức ước tính khoảng 1,84%.

Trong khi đó, con số này tại các thị trường mới nổi là khoảng 3,35%, cao hơn 82%. Khoảng cách chênh lệch này chỉ xuất hiện vào các thời kỳ như bong bóng dotcom và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thực tế, có nhiều lý do để nhà đầu tư tạm tránh các thị trường mới nổi: Thuế suất, chiến tranh thương mại, lãi suất tăng lên. Nhưng nếu vậy, chứng khoán Mỹ cũng đang phải đối diện với những rủi ro y hệt. Trong khi đó, điều quan trọng hơn là các rủi to tại thị trường mới nổi đều đã được phản ánh vào giá cả.

James Berman, chủ tịch, người sáng lập JBGlobal.com LLC, tác giả của nhiều tựa sách tài chính nổi tiếng nhận định: “Nhà đầu tư đang mua vào cổ phiếu đi lên, chỉ bởi giá đi lên, thay vì nhìn nhận lại giá trị.

Trong một thời gian nhất định, chiến lược này có hiệu quả. Tuy nhiên, một khi dừng lại, như những gì từng xảy ra tại thời kỳ bong bóng dotcom, khủng hoảng tài chính, hậu quả là rất nặng nề”.

Tin bài liên quan