Zeynep Ozturk-Unlu, Giám đốc đầu tư khu vực EMEA của Deutsche Bank nhận định rằng, thị trường châu Âu có thể vượt trội cả về kinh tế và thị trường vốn, vì nỗi lo suy thoái và suy thoái đang trở nên tăng tốc hơn ở Mỹ so với châu Âu.
Điều này xảy ra bất chấp việc châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức của riêng mình, bao gồm chiến sự đang diễn ra ở Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát chưa đạt đến đỉnh điểm và khó có thể đạt được mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho đến sớm nhất vào giữa năm 2024.
“Châu Âu đã ở chế độ chính sách tài khóa mở rộng trong một thời gian khá dài, đặc biệt là do cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhưng, châu Âu cũng đang đặt cược vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại và điều đó sẽ mang lại những luồng gió tích cực cho câu chuyện tăng trưởng của khu vực”, bà Zeynep Ozturk-Unlu cho biết.
Lần gần đây nhất, tốc độ tăng trưởng GDP của châu Âu đã vượt Mỹ vào năm 2017, mặc dù số liệu cuối cùng của năm 2022 vẫn chưa được công bố.
Ngoài ra, sự đa dạng hóa các lĩnh vực ở châu Âu so với Mỹ và tăng trưởng sản xuất bền vững, đặc biệt là ở Đức và Pháp, là một trường hợp khu vực có tăng trưởng kinh tế ổn định hơn.
“Điều đó không có nghĩa là châu Âu hoàn toàn miễn dịch và đang ở trong tình trạng tốt, nhưng về mặt tương đối, sự chuyển dịch từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị thực sự mang lại nhiều cơ hội hơn cho châu Âu so với Mỹ”, bà cho biết.
Cổ phiếu tăng trưởng - bao gồm các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ - đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, điều này ảnh hưởng đến kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai. Trong khi đó, cổ phiếu giá trị có xu hướng hoạt động tốt hơn khi lãi suất tăng và châu Âu nhìn chung sở hữu tỷ lệ cổ phiếu giá trị cao hơn so với các quốc gia khác trên toàn cầu.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số Stoxx 600 của châu Âu đã tăng hơn 5% so với mức tăng 3,4% của chỉ số S&P 500 của Mỹ.
Mặc dù có hiệu suất tồi tệ nhất kể từ năm 2018 nhưng cổ phiếu châu Âu cũng vượt trội hơn so với Mỹ vào năm ngoái, kết thúc với mức giảm 13% so với 19,4% của S&P 500.
Triển vọng tươi sáng hơn, nhưng rủi ro vẫn còn
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa của Fed, kích thích tài chính của khu vực đồng euro, việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại động lực cho châu Âu nói riêng và giá năng lượng giảm đều được các chiến lược gia viện dẫn là những lý do giúp nền kinh tế châu Âu có thể vượt trội vào năm 2023.
Karsten Junius, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng J. Safra Sarasin của Thụy Sĩ dự kiến tăng trưởng GDP sẽ không đổi ở khu vực đồng euro trong năm nay, so với mức giảm 0,5% ở Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ chuyển thành hiệu suất vượt trội trên thị trường chứng khoán hay không là chưa chắc chắn. Một lý do cho điều này là sự tăng giá gần đây của đồng euro có xu hướng ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp với độ trễ ba tháng.
Một số chiến lược gia lập luận rằng, mặc dù thị trường được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ vào năm 2022, nhưng chúng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn bởi dữ liệu kinh tế và kết quả kinh doanh vào năm 2023.
Paul O’Connor, người đứng đầu nhóm đa tài sản tại công ty quản lý tài sản Janus Henderson Investors, đồng ý rằng có “những lý do chính đáng” để tin rằng một kỷ nguyên hoạt động vượt trội của thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu đảo chiều, và có thể kéo dài đến năm 2023 hoặc hơn thế nữa.
“Mặc dù hiệu quả vượt trội của thị trường chứng khoán Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu được củng cố từ lợi nhuận vượt trội của các doanh nghiệp Mỹ, nhưng ảnh hưởng này được khuếch đại bởi sự thay đổi định giá tương đối có lợi cho chứng khoán Mỹ. Cả hai xu hướng hiện đang đảo ngược. Trong khi chứng khoán Mỹ có vẻ đắt đỏ so với trái phiếu và dữ liệu lịch sử của chính chúng, thì cổ phiếu ở hầu hết các thị trường khác có vẻ được định giá là có giá trị hợp lý”, ông cho biết.