Sau khi rơi vào thị trường giá xuống (bear market) ở tốc độ nhanh nhất từ trước tới này, chỉ số S&P 500 lại lập thêm kỷ lục 3 ngày tăng điểm nhanh nhất trong 90 năm qua. Tương tự, chỉ số Dow Jones đã bắt đầu đà tăng mới, với mức tăng hơn 20% từ đáy gần nhất, giúp giá trị thị trường tăng thêm 2 nghìn tỷ USD trong 3 ngày.
Đây chỉ là một vài phiên phục hồi trong quá trình xuống đáy, hay báo hiệu đà leo dốc bền vững trong thời gian tới? Không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn, bởi chứng khoán biến động dữ dội tới vậy kể từ hơn 1 tháng qua là do đại dịch Covid19 là trải nghiệm chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo các dữ liệu lịch sử, thị trường chứng khoán thường mất trung bình 18 tháng để bắt đầu hồi phục kể từ những tín hiệu đầu tiên cho thấy tăng trưởng kinh tế đi chậm lại. Tuy nhiên, dịch Covid19 có thể viết nên lịch sử mới và với hàng nghìn tỷ USD đang được các ngân hàng trung ương bơm ra thị trường, dễ hiểu khi một phần giới đầu tư bắt đầu cảm nhận thị trường đã tới đáy.
S&P 500 có 3 ngày tăng mạnh nhất kể từ những năm 1930
Phần còn lại không được lạc quan tới vậy. Các thành viên thị trường đang chứng kiến những diễn biến hoàn toàn mới: dịch bệnh khiến hàng nghìn người thiệt mạng, các nền kinh tế phải đóng cửa, mọi người cố thủ trong nhà. Trong tuần này, số lượng người nộp đơn bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn gấp 3 lần mức kỷ lục trước đó. Tại Washington, Chính phủ mỹ đã thông qua gói hỗ trợ với giá trị lớn nhất từ trước tới này.
Dưới đây là một số góc nhìn từ các chuyên gia với câu hỏi: Liệu đà tăng thần tốc này có thể kéo dài?
Tâm lý lo sợ chưa được gột sạch
Emily Roland, đồng chiến lược gia trưởng đầu tư tại John Hancock Investment Managment cho biết, cô vẫn đón nhận nhiều tín hiệu lẫn lộn. Một số cố vấn tài chính cho rằng khách hàng của họ đã “tê liệt”, số khác không ngừng đặt câu hỏi nên rót tiền vào đâu và lúc nào?
“Thị trường sẽ có khả năng chạm đáy khi tâm lý lo sợ được gột sạch, hoặc tất cả chúng ta đều đã bán ra vội vã và bỏ cuộc. Hiện tại, chúng ta chưa chạm tới mức này”, Emily Roland cho biết.
Ánh sáng cuối đường hầm
John Stoltzfus tại Oppenheimer Asset Management nhận định, những đợt tăng trong vài tuần qua thể hiện kỳ vọng của giới đầu tư đối với thị trường. Những con sóng này sẽ gặp thử thách trước bất kỳ tin tức tiêu cực nào liên quan tới dịch bệnh, tuy nhiên hiện tại, việc có thêm các gói hỗ trợ được công bố trở thành điểm tựa để nhà đầu tư phần nào có thể tự tin hơn.
“Thị trường đang cân đo tác động của các chính sách hỗ trợ, động lực tăng trưởng kinh tế và từ đó cảm nhận được ánh sáng mặt trời cuối đường hầm, thay vì đầu máy xe lửa đang lao tới”.
Market timing không còn hợp lý
Thông thường, mức giảm 10% của thị trường sẽ tồn tại trong 1 năm, trong khi cần khoảng 1,5 năm để hồi phục lại đà giảm 20%, Northern Trust Wealth Management cho biết. Vậy nhưng, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 34% và chỉ cần vài ngày để quay trở lại mức cũ. Do đó, Katie Nixon, giám đốc đầu tư tại Northern Trust Wealth Management nhận định, việc dự báo chính xác khi nào thị trường chạm đáy là bất khả thi và nhà đầu tư nên thận trọng với bất kỳ ai đưa ra “tiên đoán”.
“Đối với các loại tài sản rủi ro, liều thuốc tốt nhất là thời gian. Việc chọn đúng thời điểm của thị trường (Market Timing) là bất khả thi lúc này và có quá nhiều yếu tố không lường trước đang hiện diện. Trong đó, những yếu tố quan trọng nhất như khi nào tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống, mức độ tác động tới nền kinh tế ra sao, các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả như thế nào… đều cần thêm thời gian để nhìn thấy”.
Market timing là trường phái đầu tư dựa vào việc xác định thời gian “đúng” của thị trường. Theo đó, nhà đầu tư theo phương pháp này cho rằng, không cần thiết phải có kỹ năng lựa chọn cổ phiếu, chỉ cần bước vào thị trường ở thời điểm tốt, giá của hầu hết các cổ phiếu đều sẽ tăng trưởng tốt và tạo lợi nhuận khả quan cho nhà đầu tư.
Thiếu vắng tin tốt
Kỳ vọng vào các gói hỗ trợ tài chính đã được phản ánh vào mức giá hiện tại và trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ thiếu vắng các tin tốt, theo Lauren Goodwin, nhà kinh tế học, chiến lược gia gia danh mục đầu tư tại New York Life Investments đánh giá. Nhà đầu tư cần thêm những con số rõ ràng hơn về tác động kinh tế của dịch bệnh, rủi ro tín dụng, cũng như những yếu tố nền tảng khác của nền kinh tế.
“Điều chúng ta cần để chứng kiến thị trường leo dốc bền vững là nhà đầu tư đã xác định được gốc rễ của vấn đề. Tôi cho rằng, số ca mắc bệnh tại Mỹ sẽ còn leo thang và khi đó, thị trường vẫn chưa thể ra khỏi rừng rậm”.