Sau phiên hồi phục tốt hôm thứ Tư, phố Wall giằng co trở lại trong phiên thứ Năm và đóng cửa không mấy thay đổi khi chịu tác động trái ngược từ các nhóm cổ phiếu.
Trong khi nhóm truyền thông sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của Walt Disney và Comcast, thì nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe lại tăng tốt, hỗ trợ cho thị trường. Trong khi đó, đà tăng của Microsoft và Amazon giúp Nasdaq duy trì được đà tăng.
Kết thúc phiên 7/9, chỉ số Dow Jones giảm 22,86 điểm (-0,10%), xuống 21.784,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,44 điểm (-0,02%), xuống 2.465,10 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,55 điểm (+0,07%), lên 6.397,87 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong nửa đầu phiên thứ Năm. Tuy nhiên, về cuối phiên, khi ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, cơ quan này chuẩn bị giảm chương trình kích cầu, đẩy đồng euro tăng mạnh và khiến chứng khoán mất đi một nửa số điểm có được. Dù vậy, các thị trường chính của chứng khoán châu Âu vẫn duy trì được đà tăng trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 7/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 42,85 điểm (+0,58%), xuống 7.396,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 82,09 điểm (+0,67%), lên 12.296,63 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,21 điểm (+0,26%), lên 5.114,62 điểm.
Thông tin về thỏa thuận tăng trần nợ công của Mỹ giúp phố Wall tăng điểm phiên hôm trước cũng tác động tích cực lên chứng khoán Nhật Bản, giúp chỉ số Nikkei 225 quay đầu tăng điểm trong phiên thứ Năm.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm điểm do tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Trong phiên thứ Năm, với đà giảm của nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến chứng khoán Trung Quốc giảm khá mạnh.
Kết thúc phiên 7/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 38,55 điểm (+0,20%), lên 19.396,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 90,84 điểm (-0,33%), xuống 27.522,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,89 điểm (-0,59%), xuống 3.365,50 điểm.
Trên thị trường vàng, sau phiên điều chỉnh hôm thứ Tư, giá vàng nhích nhẹ trở lại trong phiên châu Á và nửa đầu phiên châu Âu trong phiên thứ Năm. Từ nửa cuối phiên Âu và sang phiên Mỹ, sau thông tin ECB giảm chương trình kích cầu, khiến đồng euro tăng, đồng USD giảm đã đẩy giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất 1 năm. Trong phiên thứ Năm, chỉ số USD lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất 2 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 7/9, giá vàng giao ngay tăng 15,1 USD/ounce (+1,13%), lên 1.348,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 11,3 USD/ounce (+0,84%), lên 1.350,3 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô trái có sự trái chiều. Trong khi giá dầu thô Brent tiếp tục tăng, lên mức cao nhất 5 tháng rưỡi, thì giá dầu thô Mỹ lại giảm nhẹ khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng cao hơn dự kiến do ảnh hưởng của cơn bão Harvey làm giảm nhu cầu dầu thô từ các nhà máy lọc dầu.
Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 4,6 triệu thùng, cao hơn con số 4 triệu thùng của giới phân tích dự báo trước đó.
Cơn bão Harvey khiến công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu của Mỹ giảm 16,9 điểm phần trăm, xuống còn 79,7% vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ năm 2010, theo EIA. Trong đó, công suất các nhà máy tại vịnh Golf Coast chỉ còn 63,4%.
Kết thúc phiên 7/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,07 USD/thùng (-0,14%), xuống 49,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,29 USD (+0,54%), lên 54,49 USD/thùng.