Sự phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ, nhất là Apple trong phiên thứ Ba giúp phố Wall hồi phục tốt. Tuy nhiên, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ sau đó đã hạ thấp độ cao và kết thúc phiên gần như không thay đổi sau phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong bài phát biểu hôm thứ Ba, bà Yellen cho rằng, việc tăng lãi suất vẫn sẽ tiến hành dần dần và sẽ không cẩn trọng giữ lãi suất đến khi lạm phát đạt mức mục tiêu 2% mà Fed đưa ra.
Theo ước tính của công cụ FedWatch của Tập đoàn CME, khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 đã tăng đến 78% từ khoảng 40% một tháng trước.
Ngoài phát biểu của bà Yellen, phố Wall mất đà tăng trong phiên thứ Ba còn do dữ liệu kinh tế kém khả quan vừa được công bố. Theo đó, dữ liệu mới công bố cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng 9, trong khi doanh số bán nhà giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng và tháng 8 do ảnh hưởng của bão Harvey và Irma.
Kết thúc phiên 26/9, chỉ số Dow Jones tăng 7,95 điểm (+0,04%), lên 22.304,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,59 điểm (+0,10%), lên 2.499,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,12 điểm (+0,25%), lên 6.386,71 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng hồi nhẹ trong phiên thứ Ba nhờ đà tăng tốt của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, nỗi lo về căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như sự thận trọng của nhà đầu tư trước khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 khiến đà tăng chỉ khiêm tốn, thậm chí chứng khoán Anh mất điểm trong ít phút cuối phiên.
Kết thúc phiên 26/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,55 điểm (-0,21%), xuống 7.285,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 10,39 điểm (+0,08%), lên 12.605,20 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,63 điểm (+0,03%), lên 5.268,76 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật giảm điểm trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu cung cấp thiết bị cho Apple giảm sau thông tin tốc độ bán hàng của Iphone 8 chậm nhất trong số phiên bản của hãng này.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục sau 3 phiên giảm điểm do lực cầu bắt đáy nhắm vào nhóm cổ phiếu bất động sản và khai mỏ. Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng nhẹ trở lại khi nhà đầu tư hướng sự tập trung vào dữ liệu kinh tế Trung Quốc tích cực hơn so với căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên.
Kết thúc phiên 26/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 67,39 điểm (-0,33%), xuống 20.330,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 12,67 điểm (+0,05%), lên 27.513,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,03 điểm (+0,06%), xuống 3.343,58 điểm.
Sau phiên tăng mạnh trước đó, giá vàng đã nhanh chóng trả lại cả vốn lẫn lãi trong phiên thứ Ba do đồng USD tăng mạnh trở lại sau phát biểu của bà Yellen, Chủ tịch Fed rằng, việc tăng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục, dù lạm phát đang ở mức thấp.
Kết thúc phiên 26/9, giá vàng giao ngay giảm 16,7 USD/ounce (-1,27%), xuống 1.293,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 9,8 USD/ounce (-0,75%), xuống 1.301,7 USD/ounce.
Trong khi đó, sau khi leo lên mức cao nhất 26 tháng, giá dầu thô đã bị chốt lời trong phiên thứ Ba và quay đầu giảm trở lại. Ngoài ra, giá dầu giảm còn do áp lực từ dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ vừa công bố và dự đoán về khả năng kho dự trữ dầu của Mỹ sẽ có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Kết thúc phiên 26/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,34 USD (-0,65%), xuống 51,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,98%), xuống 58,44 USD/thùng.