Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất. Theo Fed, nền kinh tế thời gian gần đây có yếu hơn, nhưng cơ quan này vẫn duy trì tốc độ tăng lãi suất trong năm nay như kế hoạch đưa ra trước đó. Điều này ám chỉ, Fed có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 với khả năng lên đến 65%, theo khảo sát của Thomson Reuters.
Thông tin này đã khiến phố Wall quay đầu đảo chiều, tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh quý I của các công ty khả quan, mức giảm của các chỉ số không quá lớn, thậm chí Dow Jones còn giữ được sắc xanh nhạt.
Theo Thomson Reuters, lợi nhuận quý I của các công ty trong S&P 500 tăng 14,2%, mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011.
Cổ phiếu Apple tiếp tục giảm sau công bố doanh thu bán iPhone thất vọng trước đó, khiến chỉ số Nasdaq cũng giảm tương đối trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 3/5, chỉ số Dow Jones tăng 8,01 điểm (+0,04%), lên 20.957,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,04 điểm (-0,13%), xuống 2.388,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,82 điểm (-0,37%), xuống 6.072,55 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng rút lui nhẹ trong phiên thứ Tư khi nhóm cổ phiếu của các nhà cung cấp của Apple giảm sau khi hãng điện thoại này công bố doanh thu bán iPhone bất ngờ sụt giảm trong quý I. Trong khi đó, chỉ số DAX vẫn duy trì được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu y tế, dược phẩm.
Kết thúc phiên 3/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,52 điểm (-0,21%), xuống 7.234,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,94 điểm (+0,16%), lên 12.527,84 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,15 điểm (-0,06%), xuống 5.301,00 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục lại giảm nhẹ trong sự thận trọng của nhà đầu tư sau thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm lượng bơm tiền vào trong tháng 4, báo hiệu mục đích kiềm chế tăng trưởng tín dụng mạnh.
Kết thúc phiên 3/5, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,35 điểm (-0,27%), xuống 3.135,35 điểm.
Kết quả cuộc họp của Fed nằm trong dự báo của giới đầu tư. Tuy nhiên, với khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 tới, cùng với việc thị trường thiếu thông tin mới đã khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên thứ Tư.
Sau cuộc họp của Fed, giới đầu tư đang chờ đợi thông tin quan trọng tiếp theo là bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu. Theo dự báo của giới phân tích, trong tháng 4, nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 190.000 việc làm mới. Báo cáo bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) cho thấy, có 177.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 4.
Nhà đầu tư cũng đang hướng tới cuộc bầu cử vòng 2 Tổng thống Pháp vào Chủ nhật. Một chiến thắng bất ngờ của bà Marine Le Pen sẽ khiến giá vàng nhảy vọt trở lại và ngược lại, nếu chiến thắng thuộc về ông Emmaneul Macron, giá vàng sẽ gần như hết động lực để đi lên.
Kết thúc phiên 3/5, giá vàng giao ngay giảm 19,2 USD (-1,53%), xuống 1.237,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 8,5 USD (-0,68%), xuống 1.248,5 USD/ounce.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô có lúc tiếp tục đà giảm khi dữ liệu hàng tồn kho của Mỹ trong tuần trước giảm ít hơn dự báo. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá dầu thô đã hồi phục và đảo chiều tăng nhẹ sau phiên lao dốc mạnh trước đó.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần trước, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 930.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,3 triệu thùng của giới phân tích. Dù vậy, đây vẫn là tuần giảm thứ 4 liên tiếp trong kho dự trữ dầu của Mỹ.
Kho dự trữ tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma cũng giảm 728.000 thùng, theo EIA.
Kết thúc phiên 3/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,16 USD/thùng (+0,33%), lên 47,82 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,33 USD (+0,65%), lên 50,79 USD/thùng.