Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán liên tục phá đỉnh bất chấp dầu thô lao dốc

(ĐTCK) Sức mạnh của đồng USD khiến giá vàng và dầu thô lao dốc trong phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, chứng khoán toàn cầu lại đồng loạt tăng mạnh và liên tiếp phá vỡ các đỉnh cao mới.

Đặt cược vào chính sách thuế của ông Trump và bỏ bớt các quy định với lĩnh vực ngân hàng, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng tiếp tục đà tăng mạnh, giúp phố Wall khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần mới, lên mức cao kỷ lục mới, bất chấp giá dầu thô lao dốc.

Ngoài 3 chỉ số chính, vốn hóa thị trường của S&P 500 cũng lần đầu tiên chạm mốc 20.000 tỷ USD khi cổ phiếu của đại gia công nghệ này tăng 0,9%, lên mức cao kỷ lục mới 133,29 USD/cổ phiếu, đưa vốn hóa của Apple lên 699,3 tỷ USD.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Dow Jones tăng 142,79 điểm (+0,70%), lên 20.412,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,15 điểm (+0,52%), lên 2.328,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 29,83 điểm (+0,52%), lên 5.763,96 điểm.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và ngân hàng cũng chính là nhân tố chính giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 20,17 điểm (+0,28%), lên 7.278,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 107,46 điểm (+0,92%), lên 11.774,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 59,87 điểm (+1,24%), lên 4.888,19 điểm.

Trên thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng, lên mức cao nhất 2 tuần trong phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ tác động tích cực từ việc phố Wall lập kỷ lục mới phiên cuối tuần trước. Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản còn được hỗ trợ bởi đồng yên giảm sau cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục tăng, thậm chí đà tăng còn mạnh hơn phiên cuối tuần trước, lên mức cao nhất 4 tháng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu khi giá hàng hóa tăng. Ngoài ra, dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục sang thị trường này cũng giúp chỉ số Hang Seng thăng hoa.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng là nhân tố chính giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong ngày thứ Hai để lên mức cao nhất 2 tuần mới.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Nikkie 225 tăng 80,22 điểm (+0,41%), lên 19.459,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 136 điểm (+0,58%), lên 23.710,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,51 điểm (+0,61%), lên 3.216,84 điểm.

Đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng, lên mức cao nhất 3 tuần, cùng với đó là sự khởi sắc của thị trường chứng khoán đã khiến giá vàng quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 13/2, giá vàng giao ngay giảm 8,2 USD (-0,67%), xuống 1.224,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 9,9 USD (-0,80%), xuống 1.224,8 USD/ounce.

Sau khi tăng mạnh phiên cuối tuần trước sau thông tin các nước thành viên OPEC đã thực hiện 92% thỏa thuận cắt giảm trong tháng 1, giá dầu đã giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới, trả hết những gì đã có trong phiên cuối tuần trước, thậm chí còn thâm hụt thêm.

Giá dầu giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới cũng do chịu áp lực từ việc đồng USD tăng mạnh, bên cạnh thông tin sản lượng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 3 dự kiến sẽ tăng mạnh nhất trong 5 tháng.

Kết thúc phiên 13/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,93 USD/thùng (-1,76%), xuống 52,93 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 1,11 USD (-2,00%), xuống 55,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan