Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên đầu tuần mới, thậm chí đà tăng tốt hơn rất nhiều so với phiên cuối tuần qua khi lãnh đạo phe Dân chủ nhượng bộ để Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại từ ngày 24/1 sau 3 ngày đóng cửa.
Ngoài ra, phố Wall cũng hưởng lợi từ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp mới công bố, giúp các chỉ số chính của phố Wall lên mức cao kỷ lục mới.
Cụ thể, theo báo cáo của Thomson Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý IV/2017 dự kiến tăng trưởng 12,4%. Trong số 55 công ty trong S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận cho đến sáng thứ Hai, 80% đã vượt qua kỳ vọng, cao hơn tỷ lệ 72% mức trung bình của 4 quý gần nhất.
Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Dow Jones tăng 142,88 điểm (+0,55%), lên 26.214,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,67 điểm (+0,81%), lên 2.832,97 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 71,65 điểm (+0,98%), lên 7.408,03 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục trái chiều khi chứng khoán Anh có phiên điều chỉnh nhẹ thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Đức và Pháp duy trì sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng và thông tin mua bán, sáp nhập, dù đà tăng khiêm tốn hơn nhiều so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 22/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,35 điểm (-0,20%), xuống 7.715,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 29,24 điểm (+0,22%), lên 13.463,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,48 điểm (+0,28%), lên 5.541,99 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản may mắn thoát hiểm cuối phiên nhờ nhóm cổ phiếu chứng khoán và bảo hiểm bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm xuất khẩu, thép và thời trang nhanh, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục nới rộng đà tăng nhờ sự hỗ trợ của thông tin kinh tế, trong đó với dòng tiền chảy mạnh từ đại lục, chứng khoán Hồng Kông lên mức cao kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 8,27 điểm (+0,03%), lên 23.816,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 138,52 điểm (+0,43%), lên 32.393,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,50 điểm (+0,39%), lên 3.501,36 điểm.
Việc đồng USD giảm hỗ trợ tích cực cho giá vàng, nhưng với việc các bên đạt được thỏa thuận để Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại, khiến sự hấp dẫn của kim loại quý này giảm đi phần nào. Do đó, giá vàng đóng cửa phiên đầu tuần mới với mức biến động thấp.
Kết thúc phiên 22/1, giá vàng giao ngay tăng 2,5 USD/ounce (+0,19%), lên 1.333,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 1,2 USD/ounce (-0,09%), xuống 1.331,9 USD/ounce.
Sau 2 phiên giảm liên tiếp, giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới khi đồng USD giảm và vẫn ở mức thấp nhất gần 3 năm, cùng với việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất lớn khác sẽ kéo dài tới hết năm nay. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh khi một số mỏ dầu gián đoạn tại Libya hoạt động trở lại và Chủ nhật, cung cấp thêm khoảng 55.000 thùng/ngày cho thị trường.
Kết thúc phiên 22/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,12 USD (+0,19%), lên 63,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,43 USD (+0,63%), lên 69,03 USD/thùng.