Phố Wall lao dốc phiên thứ Năm do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu tài chính (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall lao dốc phiên thứ Năm do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu tài chính (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán lao dốc, giá vàng thăng hoa

(ĐTCK) Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến thị trường chứng khoán lao dốc trong phiên thứ Năm, trong khi điều này lại là trợ lực giúp giá vàng tăng mạnh, lên mức cao nhất 1 năm.

Lo ngại về kinh tế toàn cầu chậm chạp sẽ gây áp lực khiến các Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng đã kéo nhóm cổ phiếu này giảm mạnh trong phiên thứ Năm, ảnh hưởng tiêu cực lên phố Wall.

Nếu như trước đấy, giới đầu tư hồ hởi với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa lãi suất về âm và Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa về mức gần như bằng 0%, thì hiện các chính sách này lại tạo ra sự lo ngại cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Chính điều này khiến nhóm cổ phiếu tài chính bị bán tháo mạnh trong phiên thứ Năm, cùng với đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu năng lượng, kéo phố Wall giảm mạnh.

Kết thúc phiên 11/2, chỉ số Dow Jones giảm 254,56 điểm (-1,6%), xuống 15.660,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,78 điểm (-1,23%), xuống 1.829,08 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,76 điểm (-0,39%), xuống 4.266,84 điểm.

Chứng khoán châu Âu còn giảm tồi tệ hơn phố Wall trong phiên thứ Năm khi chịu ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh nhóm cổ phiếu năng lượng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm tới 6,3% trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng sinh lời của các nhà băng trong môi trường kinh tế và lãi suất thấp như hiện tại.

Ngoài ra, việc giá dầu thô liên tục giảm mạnh và mất mốc 27 USD/thùng cũng khiến nhóm cổ phiếu năng lượng, cũng như hàng hóa khác giảm theo, kéo chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất 2 năm rưỡi trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 11/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 135,33 điểm (-2,39%), xuống 5.536,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 264,42 điểm (-2,93%), xuống 8.752,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 164,49 điểm (-4,05%), xuống 3.896,71 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại về đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu khiến chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo ồ ạt ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu năm mới Âm lịch 2016. Dẫn đầu đà giảm giá trong phiên đầu năm Bính Thân là nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp đại lục, kéo theo lệnh bán tháo diễn ra ở các nhóm khác, khiến chỉ số Hang Seng giảm gần 4% trong ngày đầu năm mới, đánh dấu ngày giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2015.

Kết thúc phiên 11/2, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 742,37 điểm (-3,85%), xuống 18.545,80 điểm. Chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc nghỉ lễ, nhưng ngay khi giao dịch trở lại trong phiên cuối tuần (12/2), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm gần 5%, đánh mất mốc 15.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2014.

Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến giới đầu tư bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán và tìm đến vàng như là kênh trú ẩn an toàn. Động thái này đã giúp cho giá vàng có ngày giao dịch thăng hoa khi tăng tới hơn 4%, lên mức cao nhất 1 năm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 11/2, giá vàng giao ngay tăng 49,6 USD (+4,14%), lên 1.246,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 53,2 USD (+4,45%), lên 1.247,8 USD/ounce.

Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Năm và đánh mất mốc 27 USD/thùng.

Kết thúc phiên 11/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,24 USD/thùng (-4,73%), xuống 26,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,78 USD (-2,59%), xuống 30,06 USD/thùng.

Tin bài liên quan