Phố Wall có phiên giao dịch đầu tuần khá yên ắng khi giới đầu tư đang hướng sự tập trung vào các sự kiện quan trọng sắp diễn ra - Ảnh: Reuters

Phố Wall có phiên giao dịch đầu tuần khá yên ắng khi giới đầu tư đang hướng sự tập trung vào các sự kiện quan trọng sắp diễn ra - Ảnh: Reuters

Chứng khoán lặng sóng chờ nhiều sự kiện quan trọng

(ĐTCK) Giới đầu tư toàn cầu đang hướng sự chú ý đến các sự kiện đáng chú ý diễn ra trong tuần này như cuộc họp của FED, trưng cầu dân ý Scotland, IPO Alibaba, khiến các thị trường toàn cầu lặng sóng trong phiên đầu tuần.
Theo dữ liệu vừa công bố, sản lượng sản xuất của Mỹ giảm lần đầu tiên trong 7 tháng trong tháng 8, tuy nhiên, nó lại được bù đắp bởi thông tin, hoạt động sản xuất tại New York tăng lên mức cao nhất trong gần 5 năm trong tháng 9.

Tuy nhiên, phố Wall gần như lặng sóng khi mọi sự tập trung đang dồn vào cuộc IPO của Alibaba vào cuối tuần này. Chính sự tập trung của giới đầu tư vào cuộc IPO lịch sử này, nên hầu hết cổ phiếu công nghệ cao đều giảm giá, kéo Nasdaq có phiên giảm tồi tệ nhất kể từ ngày 31/7, trong khi S&P 500 gần như không đổi khi đóng cửa phiên đầu tuần và Dow Jones lại có được mức tăng nhẹ.

Ngoài cuộc IPO Alibaba, giới đầu tư cũng hướng sự tập trung vào cuộc họp chính sách vào giữa tuần của Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC) với việc chờ đợi FOMC sẽ đưa ra lộ trình tăng lãi suất vào ngày thứ Tư sau cuộc họp kéo dài 2 ngày.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Dow Jones tăng 43,63 điểm (+0,26%), lên 17.031,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,41 điểm (-0,07%), xuống 1.984,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 48,70 điểm (-1,07%), xuống 4.518,90 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng dao động trong biên độ hẹp khi giới đầu tư đang hướng đến các sự kiến đáng chú ý diễn ra trong tuần này. Đầu tiên là cuộc họp chính sách của FOMC với việc cơ quan hoạch định chính sách quyền lực này sẽ đưa ra lộ trình tăng lãi suất vào ngày 17/9. Tiếp đó, ngày 18/9, Scotland sẽ bỏ phiếu về việc có tách khỏi Vương quốc Anh hay không.

Tuy nhiên, xu hướng chính của chứng khoán châu Âu vẫn là giảm điểm do ảnh hưởng từ dữ liệu yếu kém từ Trung Quốc.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,75 điểm (-0,04%), xuống 6.804,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 8,50 điểm (+0,09%), lên 9.659,63 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 13,07 điểm (-0,23%), xuống 4.428,63 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin đáng quan tâm nhất là dữ liệu kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu vừa công bố, sản lượng nhà máy của Trung Quốc trong tháng 8 có tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong gần 6 năm, tạo nên những lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Sau thông tin này, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, trong chứng khoán tại Trung Quốc đại lục lại bất ngờ tăng điểm.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 238,33 điểm (-0,97%), xuống 24.359,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 7,19 điểm (+0,31%), lên 2.339,14 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đã hồi trở lại sau tuần giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên, cũng giống thị trường chứng khoán, thị trường vàng cũng khá yên ắng khi giới đầu tư đang hướng tới các sự kiện trọng đại diễn ra trong tuần này.

Kết thúc phiên 15/9, giá vàng giao ngay tăng 4,4 USD (+0,36%), lên 1.232,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,6 USD (+0,29%), lên 1.235,1 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế yếu kém tại Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới khiến giá dầu Brent tiếp tục giảm giá, xuống dưới mức 97 USD/ounce, mức thấp nhất trong 3 năm.

Kết thúc phiên 15/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,65 USD (+0,70%), lên 92,92 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,46 USD (-0,48%), xuống 96,65 USD/thùng.

Tin bài liên quan