Chứng khoán không thể trọn niềm vui, vàng, dầu giảm mạnh

(ĐTCK) Trong khi chứng khoán châu Á và châu Âu khởi sắc với những phiên tăng điểm lịch sử, thì Apple lại khiến phố Wall đảo chiều giảm hơn 1%. Trong khi đó, cả giá vàng và giá dầu thô đều giảm mạnh trong phiên thứ Tư với những nỗi lo riêng.
Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Sau khi hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba, chứng khoán Mỹ đã giảm trở lại hơn 1% trong phiên thứ Tư, bất chấp chứng khoán Á, Âu khởi sắc.

Chứng khoán Mỹ giảm do chịu tác động từ sự sụt giảm của cổ phiếu Apple khi hãng công nghệ này tung sản phẩm mới. Theo đó, Apple cho ra mắt phiên bản mới của Apple TV với app store và điều kiển bằng giọng nói. Một số nhà phân tích cho biết, nhà đầu tư bán cổ phiếu trong sự kiện này do trước đó đã kỳ vọng quá cao vào sản phẩm này.

Cổ phiếu Apple giảm 1,5% trong phiên này cũng khiến cổ phiếu một số nhà cung cấp cho hãng công nghệ này giảm theo. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của việc giá dầu giảm hơn 4% trong phiên cũng góp phần khiến phố Wall giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Dow Jones giảm 239,11 điểm (-1,45%), xuống 16.253,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,37 điểm (-1,39%), xuống 1.942,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 55,40 điểm (-1,15%), xuống 4.756,53 điểm.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất 2 tuần nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu khai mỏ, bắt nguồn từ Glencore khi hãng này cắt giảm khai thác với 400.000 tấn, qua đó giúp giá đồng tăng mạnh trở lại lên mức cao nhất 7 tuần sau khi giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng trong tuần trước.

Ngoài ra, thị trường khu vực này còn nhận được sự hỗ trợ của cổ phiếu Ryanair với mức tăng 5% sau khi khi hãng hàng không này tăng dự báo lợi nhuận 25% khi tăng giá vé vào mùa Hè.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 82,91 (+1,35%), lên 6.229,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 31,76 điểm (+0,31%), lên 10.303,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 66,33 điểm (+1,44%), lên 4.664,59 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất trong 7 năm khi chốt phiên với mức tăng hơn 7,7% sau bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe tạo cho nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách kích thích kinh tế trong thời gian tới.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên tăng mạnh nhất trong 4 năm trong ngày thứ Tư và chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp nhờ sự hỗ trợ từ thông tin Chính phủ Trung Quốc đang kích thích sự tăng trưởng mạnh trở lại của nền kinh tế bằng cách tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như mua lại cổ phiếu.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1.343,43 điểm (+7,71%), lên 18.770,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 872,27 điểm (+4,10%), lên 22.131,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 72,64 điểm (+2,29%), lên 3.243,09 điểm.

Trên thị trường vàng, việc các thị trường chứng khoán khởi sắc đã khiến vai trò của vàng bị sụt giảm và làm giá kim loại quý này giảm mạnh trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất 4 tuần.

Kết thúc phiên 9/9, giá vàng giao ngay giảm 15,6 USD (-1,39), xuống 1.105,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 18,9 USD (-1,69%), xuống 1.102,0 USD/ounce.

Giá dầu sụt giảm mạnh trong phiên thứ Tư sau thông tin Hiệp hội Ngành công nghiệp dầu khí của Anh cho biết, sản lượng của nước này trong năm 2015 sẽ tăng lần đầu tiên trong 15 năm, làm tăng thêm nỗi lo dư cung, khi nhu cầu được dự báo sụt giảm do ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.

Kết thúc phiên 9/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,79 USD/thùng (-4,05%), xuống 44,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,94 USD (-4,08), xuống 47,58 USD/thùng.

Tin bài liên quan