Dữ liệu quan trong trọng nhất của kinh tế Mỹ là bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 đã chính thức được công bố. Theo đó, trong tháng 4, nền kinh tế Mỹ tạo thêm được 223.000 việc làm mới, đúng như dự đoán của các nhà kinh tế, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 7 năm, còn 5,4%. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trở lại trong quý II/2015, sau khi có tăng tưởng thất vọng trong quý đầu tiên.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quý I yếu kém, cùng với bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 được điều chỉnh xuống mức 85.000 việc làm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012. Như vậy, so với con số công bố ban đầu, số việc làm tạo thêm trong tháng 2 và tháng 3 ít hơn 39.000 việc làm, cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Mỹ trong những tháng đầu năm.
Ngoài ra, một con số khác cũng không mấy lạc quan là tiền lương. Theo báo cáo mới, thu nhập trung bình mỗi giờ trong tháng 4 của người lao động Mỹ chỉ tăng 3 cent. So với cùng kỳ, tăng 2,2%, vẫn chỉ ở mức trung bình trong suốt mấy năm qua.
Cùng với thâm hụt thương mại ở mức kỷ lục vừa được công bố, dữ liệu việc làm tháng 2 và 3 được điều chỉnh giảm mạnh, nhiều khả năng GDP quý I của Mỹ sẽ ở con số âm, chứ không phải ở mức tăng 0,2% như vừa công bố.
Chính số liệu này khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải lùi thời gian tăng lãi suất sang ít nhất là tới tháng 9 năm nay và qua đó giúp phố Wall khởi sắc trong phiên cuối tuần. Phiên tăng mạnh cuối tuần này đã giúp phố Wall đảo ngược tình thế để có được tuần tăng điểm.
Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Dow Jones tăng 267,05 điểm (+1,49%), lên 18.191,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,10 điểm (+1,35%), lên 2.116,10 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 58 điểm (+1,17%), lên 5.003,55 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,93%, chỉ số S&P 500 tăng 0,37%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 0,04%.
Chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng xuất phát từ thông tin khác. Chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên này với sự dẫn dắt của thị trường chứng khoán Anh khi kết quả cuộc bầu cử cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh David Cameron sẽ nắm quyền thêm 5 năm nữa.
Sau thông tin từ Anh, sắc xanh lan tỏa dần ra khắp chứng khoán châu Âu, cộng với thông tin tích cực từ bên kia bờ Đại Tây Dương, khiến đà tăng của chứng khoán “lục địa già” càng được nới rộng hơn.
Kết thúc phiên 8/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 159,87 điểm (+2,32%), lên 7.046,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 301,76 điểm (+2,65%), lên 11.709,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 123,17 điểm (+2,48%), lên 5.090,39 điểm. Trong tuần, chỉ số FTSE 100 và CAC 40 tăng 0,87%, trong khi chỉ số DAX tăng tới 2,23%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính đều hồi phục trở lại sau những phiên giảm mạnh trước đó. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất 1 tháng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn vừa công bố. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng hồi phục trở lại sau 3 ngày bị bán tháo. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc phục hồi khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vừa công bố cho thấy, xuất khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc giảm 6,4%, trong khi nhập khẩu giảm mạnh tới 16,2%. Dữ liệu yếu kém này khiến giới đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra gói kích thích kinh tế, để giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này lấy lại đà tăng trưởng mạnh của mình như trước đây.
Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 87,20 điểm (+0,45%), lên 19.379,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 287,37 điểm (+1,05%), lên 27.577,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 93,7 điểm (+2,28%), lên 4.205,92 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,78%, chỉ số Hang Seng giảm 1,98% và chỉ số Shanghai Composite giảm tới 5,31%.
Trên thị trường vàng, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vừa công bố không cung cấp thêm bất kỳ một thông tin nào về xu hướng của giá vàng. Do đó, giá kim loại quý này chỉ phản ứng nhẹ trong phiên cuối tuần, đủ giúp chặn đà giảm 4 tuần liên tiếp của mình.
Kết thúc phiên 8/5, giá vàng giao ngay tăng 3,3 USD (+0,28%), lên 1.187,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 5 USD/ounce (+0,42%), lên 1.187,2 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,82%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 6 cũng chỉ tăng 0,83%.
Trong cuộc khảo sát tuần này, các nhà phân tích và đầu tư tiếp tục có quan điểm trái chiều nhau về giá vàng trong tuần tới. Theo cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, trong số 208 người bình chọn, có 93 người, tương đương 45% cho biết giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, trong khi 75 người, tương đương 36% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 40 người, tương đương 19% giữ quan điểm là trung tính.
Trong khi đó, theo cuộc khảo sát 33 chuyên gia thị trường, có 21 trả lời tuần này, trong đó chỉ có 4 người, tương đương 19% có quan điểm lạc quan về giá vàng tuần tới, trong khi có 7 chuyên gia, tương đương 33% dự báo giá vàng sẽ giảm và có tới 10 người, tương đương 48%, có quan điểm trung lập. Tham gia thị trường bao gồm các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, nhà đầu tư và các nhà phân tích kỹ thuật.
Ole Hansen, chiến lược gia trưởng Bộ phân gia hàng hóa tại Saxo Bank mô tả thị trường vàng hiện nay giống như “tung đồng xu”, vì nó mất phương hướng và dự đoán giá vàng chỉ là 50/50.
Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vừa công bố không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào cho nhà đầu tư để có thể dự đoán được xu hướng của giá vàng trong tuần tới.
Bart Melek, chiến lược gia trưởng Bộ phận hàng hóa tại TD Securities cho biết, báo cáo sẽ giúp thời gian tăng lãi suất lùi xa hơn tháng 6, nhưng giá vàng vẫn bị mắc kẹt trong phạm vi của nó, vì vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo Fed sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ trong năm nay.
Hai báo cáo kinh tế lớn của Mỹ trong tuần tới sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư là doanh số bán lẻ của tháng 4, sẽ được công bố thứ Tư, và dữ liệu sản xuất khu vực cho tháng 5 của Fed New York, sẽ được phát hành ngày thứ Sáu.
Theo dự báo, doanh số bán lẻ sẽ tăng 0,3% trong tháng 4, sau tăng mạnh 0,9% trong tháng 3. Trong khi chỉ số sản xuất khu vực của Fed New York được kỳ vọng sẽ tăng lên 5,2 trong tháng 5, sau khi giảm 1,2 trong tháng 4.
Tuy nhiên, Melek nói thêm rằng, nếu các báo cáo yếu hơn dự kiến, sẽ có một tác động lớn đến những kỳ vọng Fed tăng lãi suất.
"Doanh số bán lẻ yếu của tháng 4 vẫn không thể dừng được việc Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9," ông nói.
Trong khi đó, Jessica Fung, chuyên gia phân tích hàng hóa từ BMO Capital Markets cho biết, các điều kiện thị trường hiện tại có thể kéo dài cho đến khi cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FMOC) tiếp theo giữa tháng 6. Bà nói thêm rằng, điều duy nhất có thể phá vỡ sự lình xình của vàng hiện nay là sự kiện địa chính trị.
"Vàng đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ tâm lý và nó sẽ cần một cái gì đó quan trọng để trở lại. Cho đến khi có một cái gì đó bất ngờ xảy ra, còn không, việc tăng lãi suất vẫn ám ảnh thị trường vàng", Jessica Fung đánh giá.
Giá dầu thô có sự trái chiều trong phiên cuối tuần. Trong khi dầu thô Mỹ hồi phục khá trở lại, thì giá dầu thô Brent vẫn giảm giá. Dù đã có những phiên liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới của năm, nhưng phiên lao dốc hôm thứ Năm khiến giá dầu thô Brent vẫn có tuần giảm, trong khi dầu thô Mỹ chỉ có được mức tăng nhẹ nhờ phiên hồi cuối tuần.
Kết thúc phiên 8/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,45 USD/thùng (+0,76%), lên 59,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,23%), xuống 65,39 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,41%, trong khi giá dầu thô Brent giảm 1,61%.