Sau phiên điều chỉnh hôm thứ Năm, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần (6/1) nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu Apple. Cổ phiếu Apple tăng 1,1% sau khi Cục Cạnh tranh của Canada cho biết, không tìm thấy bằng chứng đầy đủ về việc nhà sản xuất iPhone vi phạm về vấn đề cạnh tranh, đóng lại cuộc điều tra về chống độc quyền kéo dài 2 năm với đại gia công nghệ này.
Ngoài ra, thông tin đáng chú ý nhất trong phiên cuối tuần qua là bảng lương phi nông nghiệp cũng hỗ trợ cho phố Wall. Theo Bộ Lao động Mỹ, dù tháng 12/2016, số lao động tăng thêm ít hơn dự kiến, nhưng tiền lương tăng, cho thấy khả năng phục hồi trong thị trường lao động.
Những thông tin trên giúp Dow Jones tăng mạnh và có lúc tiến sát ngưỡng cửa 20.000 điểm (19.999,63 điểm), nhưng đây vẫn là ngưỡng cản mạnh, nên Dow Jones bị đẩy lùi nhẹ trở lại. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Vụ xả súng làm chết 5 người tại Sân bay Fort Lauderdale Florida không ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số Dow Jones tăng 64,51 điểm (+0,32%), lên 19.963,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,98 điểm (+0,35%), lên 2.276,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 33,12 điểm (+0,60%), lên 5.521,06 điểm.
Dù có phiên điều chỉnh, nhưng với đà hưng phấn được duy trì kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giúp phố Wall lấy lại đà tăng sau tuần điều chỉnh trước đó do tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ lễ. Cụ thể, trong tuần đầu tiên của năm 2017, chỉ số Dow Jones tăng 1,02%, S&P 500 tăng 1,7% và chỉ số Nasdaq tăng 2,56%.
Báo cáo việc làm khả quan của Mỹ cũng giúp chứng khoán châu Âu hồi phục vào cuối phiên để duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần qua. Trước đó, việc giá kim loại giảm đã kéo nhóm cổ phiếu khai mỏ giảm và đẩy các chỉ số chính của khu vực dao động dưới tham chiếu trong gần như phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối tuần.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,74 điểm (+0,20%), lên 7.210,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,07 điểm (+0,12%), lên 11.599,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 9,20 điểm (+0,19%), lên 4.909,84 điểm.
Dù không có phiên tăng nào quá đột biến, nhưng với việc duy trì sắc xanh nhạt liên tục trong tuần qua cũng đã giúp chứng khoán châu Âu có tuần tăng thứ 5 liên tiếp và là tuần tăng thứ 8 trong 9 tuần giao dịch gần nhất. Cụ thể, tuần đầu năm mới, chỉ số FTSE 100 tăng 0,94%, chỉ số DAX tăng 1,03% và chỉ số CAC 40 tăng 0,98%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu Toyota nếu không chuyển nhà máy sản xuất vào Mỹ kéo cổ phiếu của hãng này giảm mạnh, khiến cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô khác của nhật như Honda, Nissan cũng giảm theo, góp phần khiến chỉ số Nikkei tiếp tục có phiê ngỉam điểm.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng vững chắc trong phiên thứ Sau để ghi nhất tuần tăng tốt nhất trong 3 tháng.
Chứng khoán Trung Quốc sau chuỗi tăng mạnh kể từ đầu năm mới, đã đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần khi đồng nhân dân tệ tăng mạnh trở lại.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 66,36 điểm (-0,34%), xuống 19.454,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 46,32 điểm (+0,21%), lên 22.503,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,12 điểm (-0,35%), xuống 3.154,29 điểm.
Dù giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với việc tăng mạnh trong phiên mở cửa đầu năm mới (thứ Tư), giúp chứng khoán Nhật Bản lấy lại đà tăng sau tuần điều chỉnh cuối năm ngoái, chặn đứng chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi chuỗi tuần tăng liên tiếp của chứng khoán Trung Quốc địa lục được kéo dài lên con số 6. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,78%, chỉ số Hang Seng tăng 2,28% và chỉ số Shanghai Compostie tăng 1,64%.
Giá vàng đã có 2 phiên tăng liên tiếp, đặc biệt là phiên bứt phá mạnh hôm thứ Năm khi đồng USD lao dốc, xuống mức thấp nhất gần 4 tuần. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, đồng USD đã phục hồi trở lại, khiến giá vàng đảo chiều giảm.
Kết thúc phiên 6/1, giá vàng giao ngay giảm 8 USD (-0,68%), xuống 1.172,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 giảm 8,4 USD (-0,71%), xuống 1.172,9 USD/ounce.
Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng cũng có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 7 tuần giảm trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 1,85% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 1,84% tuần qua.
Với đà tăng tốt trong 2 tuần gần nhất, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng đà tăng của giá kim loại quý này sẽ tiếp tục được duy trì trong tuần này. Trước đó, trong cuộc thăm dò đầu năm, đa số nhà phân tích và nhà đầu tư dự báo giá vàng năm nay có thể lên ngưỡng 1.400 USD/ounce.
16 nhà môi giới và phân tích tham trả lời trong cuộc thăm dò lần này, trong đó có 12 người, tương đương 75% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, chỉ có duy nhất 1 người có cái nhìn tiêu cực về giá vàng và 3, chiếm 19% dự báo giá vàng đi ngang, hoặc giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, 1.007 người tham gia đã tham gia vào cuộc khảo sát trực tuyến, trong đó có 542 lượt người, chiếm 54% dự báo giá vàng sẽ tăng, 378, chiếm 38% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 87 người, chiếm 9% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần trước, nhưng đà tăng bị hạn chế nhiều do đồng USD hồi phục và nghi ngờ về khả năng tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC, nhất là sau thông tin Iran đã tận dụng điều kiện được miễn trừ để đẩy mạnh xuất khẩu, bán 13 triệu thùng dầu nhằm lấy lại thị phần sau thời gian dài bị cấm vận.
Kết thúc phiên 6/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,23 USD/thùng (+0,43%), lên 53,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,21 USD (+0,37%), lên 57,10 USD/thùng.
Giá dầu thô Mỹ có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,50% trong tuần đầu năm mới, trong khi giá dầu thô Brent cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,73%.