Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đồng loạt duy trì đà tăng và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Điều này được thúc đẩy bởi quan điểm cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng ổn định và lạm phát thấp, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không có lý do gì để tăng thêm lãi suất.
Theo Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số sản xuất khu vực nhà máy của Mỹ tăng lên mức 60,8 trong tháng 9 từ mức 58,8 trong tháng 8, mức cao nhất kể từ tháng 5/2004.
Sản xuất của Mỹ tăng mạnh nhờ những đơn hàng mới và giá nguyên liệu tăng mạnh, trong khi đó, chi tiêu cho xây dựng trong tháng 8 tăng với triển vọng kinh tế tích cực, ngay cả khi bão Harvey và Irma dự kiến sẽ ảnh hưởng tới đà tăng trưởng trong quý III.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng hào hứng với kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ dễ dang được thông qua, chứ sẽ không gặp trở ngại như kế hoạch hủy chương trình Obamacare.
Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Dow Jones tăng 152,51 điểm (+0,68%), lên 22.557,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,76 điểm (+0,39%), lên 2.529,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,76 điểm (+0,32%), lên 6.516,72 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, với việc hơn 90% cử tri Catalonia đi bỏ phiếu chọn cách tách khỏi Tây Ban Nha và bạo lực diễn ra trong cuộc trưng cầu dân ý của xứ này khiến thị trường chứng khoán nước này lao mạnh.
Cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha được giới phân tích dự đoán không ảnh hưởng tới các thị trường khác ngoài nước này.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha khiến đồng euro giảm mạnh 0,33% so với đồng USD, qua đó lại hỗ trợ tích cực cho các thị trường chứng khoán chính khác trong khu vực như Đức, Pháp.
Ngoài ra, chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tích cực với triển vọng kinh tế Mỹ vừa được công bố và kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kết thúc phiên 2/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 66,08 điểm (+0,90%), lên 7.338,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 73,79 điểm (+0,58%), lên 12.902,65 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 20,63 điểm (+0,39%), lên 5.350,44 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nghỉ giao dịch dịp lễ quốc khánh Trung Quốc. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản lấy lại đà tăng tốt trong phiên đầu tuần mới nhờ đà khởi sắc của phố Wall trong phiên cuối tuần trước, cũng như niềm tin của các nhà sản xuất lớn trong nước đối với thị trường đã lên cao nhất trong 10 năm, theo cuộc khảo sát mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Dù vậy, đà tăng cũng không quá mạnh khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc tổng tuyển cử.
Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 44,50 điểm (+0,22%), lên 20.400,78 điểm.
Việc triển vọng kinh tế Mỹ tích cực giúp đồng USD và chứng khoán tăng mạnh đã tác động tiêu cực lên giá vàng. Giá kim loại quý này tiếp tục có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 2/10, giá vàng giao ngay giảm 8,9 USD/ounce (-0,70%), xuống 1.270,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,7 USD/ounce (-0,52%), xuống 1.275,8 USD/ounce.
Việc đồng USD tăng mạnh không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh khác như dầu thô.
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giá dầu thô Mỹ đã lao dốc mạnh trở lại với mức giảm hơn 2% do đồng USD tăng giá và số liệu mới công bố cho thấy, số lượng giàn khoan của Mỹ trong tuần qua tăng lên lần đầu tiên trong 7 năm.
Trong khi đó, Iraq - quốc gia sản xuất lớn trong OPEC công bố tăng nhẹ xuất khẩu dầu trong tháng 9 và OPEC có khả năng tăng sản lượng, theo cuộc thăm dò của Reuters.
Kết thúc phiên 2/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,09 USD (-2,15%), xuống 50,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,67 USD (-1,16%), xuống 56,12 USD/thùng.