Tại sao chứng khoán khó tìm người? Theo lý giải của Tổng giám đốc một CTCK trực thuộc ngân hàng, sau những biến động của thị trường suốt 4 - 5 năm qua, trong con mắt của nhiều người, chứng khoán là nghề rất bấp bênh. Nhân sự có kinh nghiệm về tài chính thường muốn tìm bến đậu ổn định hơn và họ chọn doanh nghiệp hoặc các ngân hàng.
Người làm nghề chứng khoán hầu hết vẫn là những gương mặt cũ nên loanh quanh cũng chỉ từng ấy người. CTCK này có thêm người mới, đồng nghĩa với việc CTCK kia mất người. Trong khi đó, lại có rất nhiều nhân sự đang làm chứng khoán chuyển nghề. Trưởng phòng đầu tư một CTCK hạng khá mới đây thông báo anh chuyển sang làm cho một tổ chức phi chính phủ và giúp bà xã quản lý 2 - 3 nhà trẻ mầm non mà vợ chồng anh mới mở. Nguồn thu ổn định, khá cao so với nhu cầu của bản thân và gia đình và cái được nhất theo anh là “không nhọc” đầu.
Một nguyên nhân nữa khiến chứng khoán khó tuyển người theo chia sẻ của vị tổng giám đốc trên là CEO nhiều CTCK thường rất cầu toàn. Như bản thân ông luôn muốn tuyển người giỏi có thể làm được việc ngay mà không phải đào tạo. Muốn vậy, mức lương của Công ty trả cho nhân sự phải cạnh tranh và tạo cho họ cơ hội để thăng tiến và có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp tốt. Những điều kiện như vậy thì doanh nghiệp lại không đáp ứng được do nguồn lực còn hạn chế. Cũng chính vì tâm lý cầu toàn, nhiều nghiệp vụ chứng khoán lại không dễ đào tạo và mất thời gian dài để nhân sự có thể tích lũy kinh nghiệm, nên việc tuyển dụng của nhiều CTCK hiện nay chủ yếu theo kiểu “câu kéo”, đánh tỉa hơn là thực hiện bài bản, theo từng đợt quy mô…
Sau một hồi vừa trực tiếp săn đầu người, vừa nhờ công ty tuyển dụng chuyên nghiệp mà vẫn khó tìm được nhân sự theo kế hoạch, một CTCK trong top 10 mới đây đã thực hiện chính sách nhân sự mới: tuyển sinh viên mới ra trường và áp dụng chế độ đào tạo kiểu bánh kem, 2 nhân sự cũ kèm 1 nhân viên tập sự. Trưởng bộ phận tư vấn của CTCK này chia sẻ, chính sách mới tỏ ra khá hữu dụng vì tuy không có kinh nghiệm và mối quan hệ dày nhưng nhân sự trẻ có sức khỏe và thời gian đầu tư cho công việc lớn. Chỉ cần tìm được đúng người say nghề và có tính chủ động, sau khoảng 1 năm, nhân sự mới đã có thể một mình độc lập tác chiến tại doanh nghiệp mà không cần làm việc cả nhóm như trước.
Nhưng đào tạo được người không dễ, giữ được người còn khó hơn. Mới đây, cũng chính vị trưởng bộ phận tư vấn này thông báo 3/5 nhân sự trẻ mà Công ty đã dày công đào tạo vừa xin nghỉ việc để chuyển sang một CTCK có tên tuổi hơn. Điều kiện mà CTCK nọ đưa ra chỉ đơn giản là có ít nhất 1 năm kinh nghiệm, lương và chế độ đãi ngộ, cơ hội tích lũy kinh nghiệm thì hơn hẳn, nên dù rất cố gắng mà vị trưởng phòng vẫn không thể giữ được người.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Quốc Hưng, Giám đốc điều hành CareerBuilder Vietnam cho biết, xu hướng lựa chọn nghề nghiệp và ứng tuyển của sinh viên mới ra trường lại không mặn mà với chứng khoán. Danh sách 10 lĩnh vực được ứng tuyển trực tuyến cao nhất trên trang CareerBuilder.vn gồm (1) Bán hàng/Kinh doanh, (2) Kế toán/Kiểm toán, (3) Hành chính/Thư ký, (4) Tiếp thị & Marketing, (5) Cơ khí/Ô tô/Tự động hóa, (6) Nhân sự, (7) Điện/Điện tử/Điện lạnh, (8) Chăm sóc khách hàng, (9) Sản xuất/Sản xuất vận hành, (10) Tài chính/Đầu tư.
Vietnamwork hiện đang có 47 nhu cầu tuyển dụng cho ngành chứng khoán. Trong đó, nhiều nhất là nhu cầu tuyển chuyên viên tư vấn tài chính doanh nghiệp, chuyên viên phân tích tài chính, nhân viên công nghệ thông tin, chuyên viên quản trị, nhân viên môi giới và mạng lưới bán hàng, chuyên viên phân tích cao cấp, nhân viên dịch vụ khách hàng, giám đốc bộ phận dịch vụ khách hàng, nhân viên môi giới, chuyên viên đầu tư chứng khoán, giám đốc phân tích… |