Chịu ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng và đặc biệt là cổ phiếu Morgan Stanley giảm 4,8% khi ngân hàng có quý sụt giảm lợi nhuận thứ 2 liên tiếp, chứng khoán Mỹ giao dịch chủ yếu trong sắc đỏ trong suốt thời gian giao dịch của phiên đầu tuần.
Tuy nhiên, vào cuối phiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học đã giúp các chỉ số chính của phố Wall đảo chiều thành công và kết thúc gần như không đổi so với phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 19/10, chỉ số Dow Jones tăng 14,57 điểm (+0,08%), lên 17.230,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,55 điểm (+0,03%), lên 2.033,66 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,78 điểm (+0,38%), lên 4.905,47 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù chịu tác động không tích cực từ thông tin kinh tế từ Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn duy trì đà tăng, nhất là chứng khoán Đức do cổ phiếu Deutsche Bank tăng mạnh 3,7% sau thông tin tái cơ cấu tập đoàn, nhằm cắt giảm chi phí.
Kết thúc phiên 19/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,71 điểm (-0,40%), xuống 6.352,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 59,88 điểm (+0,59%), lên 10.164,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,28 điểm (+0,03%), lên 4.704,07 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin quan trọng nhất là tin kinh tế từ Trung Quốc. Theo thông tin vừa công bố, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III là 6,9% so với cùng, cao hơn so với mức dự báo trước đó của giới phân tích là 6,8%, nhưng đây vẫn lức mức thấp nhất kể từ quý I/2009. Điều này cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chậm lại.
Dù vậy, việc GDP của Trung Quốc tăng hơn dự kiến cũng giúp chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng trở lại vào cuối phiên, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hãm bớt đà giảm. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm khả mạnh trong phiên đầu tuần do thiếu thông tin hỗ trợ trong nước.
Kết thúc phiên 19/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 160,57 điểm (-0,88%), xuống 18.131,23 đểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 8,24 điểm (+0,04%), lên 23.075,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 4,65 điểm (-0,14%), xuống 3.386,70 điểm.
Đồng USD tăng mạnh trong phiên đầu tuần trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với dự đoán ngân hàng này sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế tiếp theo. Trong phiên đầu tuần, chỉ số USD so với rổ tiền tệ chung tăng 0,46%, trong khi đồng euro giảm xuống mức thấp nhất 10 ngày so với đồng USD.
Việc đồng USD tăng mạnh, cùng với áp lực chốt lời và chịu ảnh hưởng từ giá dầu giảm đã khiến giá vàng có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau khi chạm mức cao nhất 3 tháng rưỡi trong phiên thứ Năm tuần trước.
Kết thúc phiên 19/10, giá vàng giao ngay giảm 7,1 USD (-0,6%), xuống 1.170,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,3 USD (-0,37%), xuống 1.172,8 USD/ounce.
Đồ USD tăng mạnh, cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã khiến giá dầu thô giảm trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 19/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,37 USD/thùng (-2,99%), xuống 45,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,85 USD (-3,81%), xuống 48,61 USD/thùng.