Chứng khoán Hy Lạp mong manh trong cơn bão nợ

(ĐTCK) Các nhà đầu tư tại Hy Lạp hẳn đang cảm thấy chóng mặt bởi TTCK nước này liên tục lên - xuống do bị tác động bởi các thông tin tốt – xấu lần lượt được công bố về kết quả các cuộc đàm phán giữa chính quyền Athens và các chủ nợ quốc tế.
Chứng khoán Hy Lạp  mong manh trong cơn bão nợ

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm kéo dài với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker và Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung euro Jeroen Dijsselbloem, Thủ tướng Tsipras cho biết, hai bên đã tiến gần tới thỏa thuận song phương liên quan tới thặng dư ngân sách sơ cấp của Athens và thỏa thuận này có thể sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới.

Khi được hỏi về khoản tiền thanh toán cho IMF vào ngày 5/6, ông Tsipras khẳng định: “Không cần lo lắng về chuyện đó. Hy Lạp đã thanh toán các khoản nợ trong quá khứ và chúng tôi sẽ tiếp tục điều này”.

Về phần mình, văn phòng Chủ tịch EC chỉ phát đi một tuyên bố ngắn gọn, trong đó nhấn mạnh cuộc gặp đã diễn ra tốt đẹp trên tinh thần xây dựng. Một số tiến bộ đã đạt được trong sự thấu hiểu lập trường của nhau trên nền tảng các đề xuất khác biệt. Hai phía nhất trí sẽ nhóm họp lại và các công việc sẽ được tiến hành khẩn trương.

Trước những thông tin tích cực về triển vọng Hy Lạp và các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể đạt được thỏa thuận cơ cấu nợ, TTCK Hy Lạp lập tức khởi sắc hơn. Cổ phiếu Hy Lạp tăng trung bình 4% lúc cuối phiên 3/6, khi các nhà giao dịch đặt cược về khả năng sắp đạt được thỏa thuận “cải tổ để cứu trợ”.

Tuy nhiên, đến ngày hôm qua (4/6), TTCK nước này lại xuống dốc khi các thông tin được đưa ra trước đó có vẻ quá lạc quan so với hiện thực. Chỉ số Athens Stock Exchange (ASE) giảm 2,5% lúc 10h45 phút theo giờ địa phương sau khi tăng 4,1% ngay phiên trước đó.

Theo Thời báo Tài chính (Anh), một số chi tiết của thỏa thuận giữa Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ được đề xuất bao gồm: yêu cầu Hy Lạp đạt thặng dư ngân sách sơ cấp 1% GDP trong năm nay và tiếp tục tăng lên 3,5% vào năm 2018. Mục tiêu này sẽ không thể thành sự thực khi ông Alexis vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, cho rằng các kế hoạch cần phải tránh việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

“Chúng tôi không thể mắc lại cùng một sai lầm, sai lầm trong quá khứ”, ông Alexis phát biểu. Hiện tại, Thủ tướng Hy Lạp đã quay trở về nước với áp lực phải đạt được thỏa thuận cuối cùng với châu Âu vào ngày 14/6.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron trả lời hãng tin CNBC rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết tìm ra một giải pháp để giữ Hy Lạp ở lại trong Eurozone, song phía châu Âu cũng cần một lời cam kết có sức nặng tương tự từ chính phủ Hy Lạp. 

“Bản thân Thủ tướng Tsipras cũng nhận thức rõ về cơ hội này và sẽ chịu trách nhiệm đưa ra một số giải pháp để đáp ứng các cam kết đó”, ông Macron nói.

Trước mắt, Athens phải đối mặt với khoản nợ 300 triệu euro (328 triệu USD) trong ngày 5/6, song thị trường vẫn nghi ngờ khả năng trả nợ của Athens nếu không nhận được thêm cứu trợ tài chính.

Michael Hewson, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets, nhận định rằng, trong bối cảnh những cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ kéo dài suốt bốn tháng qua, vấn đề cốt lõi là liệu hai bên có thực sự nhượng bộ lẫn nhau hay không. Hy Lạp sẽ chấp nhận những đề xuất mới, hay vẫn kiên quyết theo đuổi các mục tiêu ngân sách của riêng mình.      

Tin bài liên quan