Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm nhờ "hiệu ứng FED" - Ảnh: Reuters

Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm nhờ "hiệu ứng FED" - Ảnh: Reuters

Chứng khoán hứng khởi, vàng xuống thấp nhất 8 tháng

(ĐTCK) Quyết định duy trì chính sách lãi suất thấp gần như bằng 0 của FED trong một thời gian đáng kể nữa của giúp chứng khoán toàn cầu tăng điểm, trong khi đồng USD tăng lên mức cao 14 tháng khiến giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng.

Phố Wall lình xình trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch thứ Tư khi giới đầu tư chờ đợi báo cáo chính thức từ cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư và “tin đồn” hôm trước, FED tiếp tục tái khẳng định sẽ giữ mức lãi suất gần bằng 0 trong “một thời gian đáng kể” nữa với cái lý được đưa ra là sẽ căn cứ vào thị trường lao động.

Một thông tin quan trọng nữa với thị trường là chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ lần đầu tiên sau 1 năm rưỡi giảm trong tháng 8, tạm xóa đi áp lực lạm phát và đó là cơ sở để FED duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo hiện nay.

Sau báo cáo này, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng vọt trước khi hạ nhiệt do áp lực chốt lời vào cuối phiên.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Dow Jones tăng 24,88 điểm (+0,15%), lên 17.156,85 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,59 điểm (+0,13%), lên 2.001,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,43 điểm (+0,75%), lên 4.562,19 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Anh vẫn còn nỗi lo về cuộc trưng cầu dân ý của Scotland về việc có tách ra khỏi Vương quốc Anh hay không. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán chính khác của khu vực đều hồi phục trở lại khi nhận thông tin tích cực từ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,34 điểm (-0,17%), xuống 6.780,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 28,57 điểm (+0,30%), lên 9.661,50 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 22,26 điểm (+0,50%), lên 4.431,41 điểm.

Cũng giống như các thị trường khác trên toàn cầu, chứng khoán Nhật Bản cũng lình xình trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư chờ đợi báo cáo chính thức từ cuộc họp của FED.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã chấm dứt chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tăng trở lại trong phiên thứ Tư khi có thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm 500 tỷ nhân dận tệ (tương đương 81,42 tỷ USD) cho các ngân hàng lớn để bơm tiền ra thị trường, kích thích nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 22,86 điểm (-0,14%), xuống 15.888,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 240,40 điểm (+1,00%), lên 24.376,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 11,34 điểm (+0,49%), lên 2.307,89 điểm.

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất hơn 8 tháng sau khi đồng USD tăng lên mức 84,753, mức cao nhất 14 tháng trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 17/9, giá vàng giao ngay giảm 11,7 USD (-0,95%), xuống 1.223,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,8 USD (-0,06%), xuống 1.235,8 USD/ounce. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch mới, giá vàng giao tháng 12 đã nhanh chóng mất 13 USD/ounce (-1,05%).

Trong khi đó, giá dầu nhanh chóng giảm trở lại sau khi báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy, kho dự trữ của nước này tăng trong tuần trước.

Kết thúc phiên 17/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,46 USD (-0,49%), xuống 94,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,08 USD (-0,08%), xuống 98,89 USD/thùng.

Tin bài liên quan