Sau phiên giảm trước đó, chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại khi các doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan. Tính tới thời điểm hiện tại, lợi nhuận của các công ty đã công bố cao hơn dự kiến.
Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall bị hãm lại, thậm chí Dow Jones vẫn chìm trong sắc đỏ do nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc khi giá dầu thô giảm tới gần 4%.
Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Dow Jones giảm 92,88 điểm (-0,45%), xuống 20.430,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,55 điểm (+0,28%), lên 2.348,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,36 điểm (+0,35%), lên 5.869,83 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đã hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó, ngoại trừ chứng khoán Anh vẫn duy trì đà giảm do lo ngại về bất ổn chính trị tại nước này, nhưng mức giảm đã được hãm lại nhiều so với phiên trước. Chứng khoán châu Âu hồi phục nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và kết quả kinh doanh quý I khả quan của các công ty vừa công bố, bù đắp sự sụt giảm của cổ phiếu dầu khí.
Kết thúc phiên 19/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,14 điểm (-0,46%), xuống 7.114,36 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,01 điểm (+0,13%), lên 12.016,45 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,48 điểm (+0,27%), lên 5003,73 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản chỉ giằng co nhẹ trong phiên và đóng cửa với sắc xanh nhạt khi nhà đầu tư thận trọng rót tiền vào tài sản rủi ro như chứng khoán trước những căng thẳng địa chính trị tại châu Á và bất ổn chính trị tại châu Âu.
Cũng với nỗi lo trên, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có phiên giảm thứ tư liên tiếp khi giới đầu tư tại thị trường này lo ngại trước chính sách thắt chặt hoạt động ngân hàng của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,61 điểm (+0,07%), lên 18.432,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 98,66 điểm (-0,41%), xuống 23.825,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,03 điểm (-0,81%), xuống 3.170,69 điểm.
Trên thị trường kim loại quý, với việc tâm lý nhà đầu tư đã cân bằng trở lại khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giảm đi chút ít khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 19/4, giá vàng giao ngay giảm 8,9 USD (-0,69%), xuống 1.280,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 10,7 USD (-0,83%), xuống 1.283,4 USD/ounce.
Theo công bố của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 1 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,5 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, kho dự trữ xăng bất ngờ tăng 1,5 triệu thùng và nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ các nước OPEC tuần trước tăng 900.000 thùng.
Những thông tin trên đã gây áp lực lên giá dầu thô, khiến giá nhiên liệu này giảm mạnh trong phiên thứ Tư với mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 8/3.
Kết thúc phiên 19/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,97 USD/thùng (-3,91%), xuống 50,44 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,96 USD (-3,70%), xuống 52,93 USD/thùng.