Chứng khoán hồi phục, giá vàng tiếp tục được dự báo tăng cao

Chứng khoán hồi phục, giá vàng tiếp tục được dự báo tăng cao

(ĐTCK) Sau tuần điều chỉnh trước đó, chứng khoán đã đồng loạt hồi phục trở lại trong tuần vừa qua. Trong khi đó, giá vàng đã tăng trở lại đúng như dự đoán của giới phân tích và tiếp tục được dự báo sẽ tăng tiếp trong tuần này.

Trong ngày thứ Sáu tuần trước, giới đầu tư hướng sự tập trung vào bài phát biểu của bà Yellen, Chủ tịch Fed để xem định hướng chính sách sắp tới của Fed. Tuy nhiên, mà Yellen đã không đề cập đến chính sách tiền tệ, mà tập trung vào chủ đề ổn định tài chính và quy định của ngân hàng.

Điều này khiến một số nhà đầu tư dự đoán, Fed có thể sẽ không tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, kéo chứng khoán hồi phục nhẹ trở lại.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Dow Jones tăng 30,27 điểm (+0,14%), lên 21.813,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,08 điểm (+0,17%), lên 2.443,05 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,68 điểm (-0,09%), xuống 6.265,64 điểm.

Dù cũng có những phiên rung lắc, nhưng phố Wall đã có tuần tăng tốt, chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones tăng 0,64%, chỉ số S&P 500 tăng 0,72% và chỉ số Nasdaq tăng 0,79%.

Tương tự, phát biểu sau bà Yellen, ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB cũng không nói về sức mạnh của đồng euro như dự đoán của giới  đầu tư, mà tập trung vào vấn đề thương mại và hợp tác toàn cầu. Sau bài phát biểu của ông Draghi, đồng euro tăng khá mạnh, khiến nhiều cổ phiếu xuất khẩu của khu vực châu Âu giảm, kéo các chỉ số chứng khoán giảm theo, nhưng mức giảm khá khiêm tốn.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,60 điểm (-0,08%), xuống 7.401,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 12,89 điểm (-0,11%), xuống 12.167,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,80 điểm (-0,17%), xuống 5.104,33 điểm.

Chứng khoán châu Âu trong tuần có có sự trái chiều. Trong khi chỉ số FTSE 100 và DAX có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,06% và 0,02%, thì chỉ số CAC 40 đảo chiều giảm nhẹ 0,19%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên cuối tuần qua. Trong đó, dù twang mạnh, nhưng thành khoản của chứng khoán Nhật Bản thấp do giới đầu tư đang chờ đợi bài phát biều của Chủ tịch ECB Mario Draghi trong cuộc họp tại Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) vào tối thứ Sáu.

Chứng khoán Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp do dự báo kết quả kinh doanh từ các công ty lớn đã giúp tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng phiên thứ ba liên tiếp, được trợ giúp bởi những cổ phiếu tài chính và bất động sản.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 98,94 điểm (+0,51%), lên 19.452,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 329,56 điểm (+1,20%), lên 27.848,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 60,01 điểm (+1,83%), lên 3.331,53 điểm.

Dù tăng điểm phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn chưa thể chấm dứt được chuỗi tuần giảm liên tiếp của mình khi kéo dài lên con số 6, dù mức giảm chỉ là 0,09%, trong khi tuần trước mất 1,31%. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng của chỉ số Hang Seng là 2,96%, còn chỉ số Shanghai Composite cũng tăng 1,92%.

Giá vàng liên tục lặp lại nhịp điệu một phiên tăng, một phiên giảm trong tuần qua. Sau khi điều chỉnh 4,5 USD trong phiên thứ Năm, giá vàng đã lấy lại hết những gì đã mất trong phiên thứ Sáu cuối tuần sau bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed với kỳ vọng Fed sẽ mềm dẻo hơn trong chính sách tiền tệ của mình.

Kết thúc phiên 25/8, giá vàng giao ngay tăng 5 USD/ounce (+0,39%), lên 1.290,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,5 USD/ounce (+0,35%), lên 1.296,5 USD/ounce.

Dù có nhịp điệu một phiên tăng, một phiên giảm, nhưng các phiên tăng thường lớn hơn các phiên giảm và cũng nhiều hơn các phiên giảm, nên giá vàng đã nhanh chóng lấy lại đà tăng sau tuần điều chỉnh trước đó, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 0,51% sau khi giảm 0,35% trong tuần trước đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,48% sau khi giảm 0,36% trong tuần trước đó.

Với kỳ vọng về chính sách mềm dẻo của Fed, giới phân tích có cái nhìn rất tích cực về xu hướng của giá vàng trong tuần này, còn khi giới đầu tư dù phần lớn vẫn kỳ vọng giá vàng tăng, nhưng chỉ chỉ nhỉnh hơn so với số dự báo giá kim loại quý này sẽ giảm.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 15 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 11 người, chiếm 73% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn chút ít con số 78% của tuần trước. Dự báo giảm và đi ngang mỗi bên cùng có 2 người, chiếm 13%.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 788 người tham gia, trong đó có 375 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 48%, thấp hơn con số 65% của tuần trước; 340 người, chiếm 43% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn nhiều so với con số 23% của tuần trước; 71 lượt, chiếm tỷ lệ 9% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường dầu mỏ, sau khi mất hơn 2% trong phiên thứ Năm do lo ngại nhu cầu giảm khi các nhà máy lọc dầu ven biển của Mỹ đóng cửa do cơn bão lịch sử Harvey, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua. Lý do phục hồi cũng nhờ cơn bão Harvey khiến sản lượng khai thác dầu ở vịnh Mexico của Mỹ cũng giảm 25%.

Kết thúc phiên 25/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,44 USD/thùng (+0,92%), lên 47,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,37 USD (+0,71%), lên 52,41 USD/thùng.

Dù tăng trở lại trong  phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô Mỹ tiếp có tuần giảm thứ 3 liên tiếp khi mất 1,32% và  giá dầu thô Brent cũng đảo chiều giảm trở lại 0,59% trong tuần qua.

Tin bài liên quan