Trong phiên thứ Ba, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng đã giúp phố Wall hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh do áp lực bán tháo trước đó. Tuy nhiên, đà phục hồi của chứng khoán Mỹ gặp nhiều khó khăn do sự cản trở của cổ phiếu Apple và một số nhà đầu tư bán ra để đối phó với việc Fed tăng lãi suất trong tháng 12.
Trong phiên thứ Ba, cổ phiếu Apple giảm 3,15% sau khi Credit Suisse cho biết, nhà sản xuất iPhone này đã cắt giảm đơn đặt hàng nguyên, phụ kiện hơn 10%, cho thấy nhu cầu về dòng điện thoại thông minh mới nhất của hãng này đang suy yếu.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhà đâu tư đang lo ngại về suy giảm tăng trưởng toàn cầu, trong đó một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Apple là Trung Quốc đang đối mặt với giảm phát và dữ liệu mới nhất công bố cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm.
Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones tăng 27,73 điểm (+0,16%), lên 17.758,21 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,14 điểm (+0,15%), lên 2.081,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,06 điểm (-0,24%), xuống 5.083,24 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba sau phiên bị bán tháo đầu tuần. Tuy nhiên, sự phục hồi của phố Wall lại chủ yếu nhờ vào đồng euro giảm, qua đó đem lại lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của khu vực. Dù vậy, đà phục hồi của chứng khoán châu Âu cũng bị cản trở do một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thất vọng.
Kết thúc phiên 10/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 19,88 điểm (-0,32%), xuống 6.275,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 17,07 điểm (+0,16%), lên 10.832,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,99 điểm (+0,02%), lên 4.912,16 điểm.
Trong khi chứng khoán Âu, Mỹ vất vả hồi phục trở lại sau phiên bị bán tháo, thì chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 5 liên tiếp để leo lên mức cao nhất 2 tháng rưỡi. Dù mức tăng trong phiên thứ Ba không dễ dàng như các phiên trước đó do áp lực chốt lời kỹ thuật, cũng như lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất.
Trong khi đó, TTCK Hồng Kông lại có phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi giới đầu tư lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất và sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm nhẹ trở lại nhưng vẫn đang ở mức cao nhất 2 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 28,52 điểm (+0,15%), lên 19.671,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 325,07 điểm (-1,43%), xuống 22.401,7 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 6,4 điểm (-0,18%), xuống 3.640,49 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi nhận được các thông tin hỗ trợ bất ngờ từ sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán, đồng USD hạ nhiệt và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tiếp mua vàng vào trong 4 tháng qua, giá vàng đã nhanh chóng trở lại xu hướng quen thuộc như hơn 1 tuần qua là giảm giá.
Trong phiên thứ Ba trên thị trường Mỹ, giá vàng có những biến động khá lớn khi liên tục đảo chiều với mức tăng, giảm mạnh, nhưng một lần nữa giá kim loại quý này để mất mốc 1.090 USD/ounce vừa lấy lại được trong phiên đầu tuần.
Nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 vẫn ám ảnh nhà đầu tư, cùng với đó là đồng USD sau khi hạ nhiệt nhẹ trong phiên đầu tuần đã tăng trở lại trong phiên thứ Ba.
Tuy nhiên, vang đang nhận được sự hỗ trợ để có thể có cơ hội phục hồi trở lại lần nữa trong các phiên tới. Cụ thể, báo cáo mới nhất cho thấy, nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc đang tăng. Mùa lễ hội ở Ấn Độ đã bắt đầu và theo truyền thống, lượng vàng tiêu thụ trong thời gian này là rất lớn.
Kết thúc phiên 10/11, giá vàng giao ngay giảm 2,7 USD (-0,25%), xuống 1.089,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,9 USD (-0,27%), xuống 1.088,5 USD/ounce.
Trong khi đó giá dầu thô lại phục hồi trở lại, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên trước đó sau thông tin Cơ quan Năng lượng quốc tế ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong đầu tư khai thác dầu. Dù bình diện chung thị trường vẫn đang đối diện với nguy cơ dư cung, nhưng thông tin trên cũng phần nào đem lại sự hứng khởi tạm thời cho nhà đầu tư, giúp giá dầu thô hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên 10/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,34 USD/thùng (+0,88%), lên 44,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,53%), lên 47,44 USD/thùng.