Những thông tin kinh tế hỗn hợp này khiến Phố Wall giằng co mạnh trong phiên đầu tuần và đóng cửa ở mức ít thay đổi so với cuối tuần trước. Trong đó, S&P 500 và Dow Jones giảm điểm, còn Nasdaq vẫn duy trì được đà tăng.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones giảm 25,24 điểm (-0,15%), xuống 16.826,60 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,73 điểm (-0,04%), xuống 1.960,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 10,25 điểm (+0,23%), lên 4.408,18 điểm.
Trong quý II/2014, chỉ số Dow tăng 2,2%, chỉ số S&P 500 tăng 4,7%, trong khi Nasdaq tăng tới 5%.
Nasdaq nối dài mức tăng hàng quý dài nhất kể từ năm 2000, trong khi S&P 500 có mức tăng theo quý tốt nhất kể từ 1988 và Dow Jones cũng đánh dấu quý thứ 5 tích cực trong 6 quý gần đây.
Tính trong nửa đầu năm nay, chỉ số Dow tăng 1,5%, chỉ số S&P 500 tăng 6,1% và chỉ số Nasdaq tăng 5,5%.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch giằng co khi nhận các thông tin trái ngược nhau. Trong khi nhóm cổ phiếu hóa chất hỗ trợ cho thị trường khi cổ phiếu của hãng Solvay được các nhà phân tích nâng cấp khuyến nghị lên "Outperform" từ "Neutral". Thị trường cũng được hỗ trợ bởi thông tin về hợp nhất, sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, thị trường lại bị tác động bởi nhóm giải trí và du lịch khi Bank of America Merrill Lynch hạ mức khuyến nghị nhóm này xuống "Underperform" từ "Neutral".
Lạm phát của EU là không thay đổi trong tháng 6, ở mức 0,5% hàng năm. Con số này là phù hợp với dự báo và duy trì ở mức thấp 4 năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) muốn thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm khoảng 2%. Báo cáo cũng cho biết, cho vay của các ngân hàng trong EU tiếp tục giảm và có 25 tháng giảm liên tiếp.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 13,83 điểm (-0,20%), xuống 6.743,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 17,90 điểm (+0,18%), lên 9.833,07 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 14,15 điểm (-0,32%), xuống 4.422,84 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã phục hồi trở lại sau phiên bán tháo cuối tuần trước. Chứng khoán Nhật hồi phục nhờ được hỗ trợ bởi hoạt động chốt NAV của các quỹ và diễn biến tích cực của Phố Wall phiên cuối tuần trước.
Theo dữ liệu từ Trung Quốc, giá nhà đất của nước này đã giảm trong tháng 6, cho thấy, khả năng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm vẫn còn. Thị trường sẽ chờ đợi một số thông tin quan trọng sắp được công bố như Chỉ số nhà quản lý thu mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 67,10 điểm (+0,44%), lên 15.162,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 30,80 điểm (-0,13%), xuống 23.190,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 11,92 điểm (+0,59%), lên 2.048,33 điểm.
Giá vàng lình xình trong suốt phiên giao dịch châu Á và châu Âu trước khi tăng vọt trong phiên giao dịch Mỹ khi lực mua kỹ thuật tăng lên và nhận được một số thông tin hỗ trợ. Trước hết là việc đồng USD xuống mức thấp nhất nhiều tuần, sau đó là một báo cáo của FED San Francisco rằng, lãi suất vẫn sẽ được duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.
Kết thúc phiên 30/6, giá vàng giao ngay tăng 11,8 USD (+0,90%), lên 1.326,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 2 USD (+0,15%), lên 1.322,0 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trở lại sau khi Chính phủ Iraq bắt đầu cuộc phản công chống lại quân nổi dậy để chiếm lại các thành phố quan trọng. Thông tin này giúp nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung giảm bớt.
Kết thúc phiên 30/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,37 USD (-0,35%), xuống 105,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,94 USD (-0,84%), xuống 112,36 USD/thùng.