Doanh số bán nhà mới của Mỹ tăng 18,6%, đạt 504.000 căn trong tháng 5, theo dữ liệu điều chỉnh theo mua, cao nhất kể từ tháng năm 2008 và mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/1992. Dữ liệu riêng biệt từ Conference Board cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng lên 85,2 trong tháng 6 từ mức đã sửa đổi 82,2 trong tháng 5.
Dù nhận thông tin kinh tế tích cực, nhưng Phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm và là phiên giảm mạnh nhất kể từ 12/6. Lý do khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm là do nhà đầu tư chốt lời khi các chỉ số có chuỗi 6 phiên tăng và liên tiếp thiết lập mức đỉnh lịch sử. Ngoài ra, giới đầu tư còn bị ảnh hưởng bởi những phát biểu của các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
William Dudley, Chủ tịch FED New York cho biết, FED có thể tăng lãi suất vào giữa năm 2015 mà không đợi lạm phát gia tăng. Trong khi đó, John Williams, Chủ tịch FED San Francisco phát biểu hôm thứ Ba rằng, nền kinh tế Mỹ trong 2 năm tới là bình thường, còn Chủ tịch FED Philadelphia Charles Plosser cho biết, nền kinh tế tiếp tục cải thiện, ổn định chứ không phải là phát triển.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Dow Jones giảm 119,13 điểm (-0,70%), xuống 16.818,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,63 điểm (-0,64%), xuống 1.949,98 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,32 điểm (-0,42%), xuống 4.350,36 điểm.
Chứng khoán châu Âu có phiên trái chiều trong phiên giao dịch ngày 24/6. Trong khi chứng khoán Anh giảm điểm sau phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết vể khả năng tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch, thì chứng khoán Đức, Pháp đều tăng nhẹ nhờ hiệu ứng M&A. Tuy nhiên, một thông tin không mấy tích cực là chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Đức giảm xuống 109,7 trong tháng 6 từ mức 110,4 trong tháng 5 và thấp hơn so với mức dự báo 110,2 của giới phân tích. Nguyên nhân khiến niềm tin người tiêu dùng của Đức giảm là do cuộc khủng hoảng Iraq và Ukraine. Dữ liệu này càng củng cố thêm quan điểm cho rằng, nền kinh tế của Liên minh châu Âu còn gặp nhiều khó khăn.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 13,49 điểm (-0,20%), xuống 6.787,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 17,16 điểm (+0,17%), lên 9.938,08 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 2,77 điểm (+0,06%), lên 4.518,34 điểm.
Chứng khoán châu Á hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba, trong đó, chứng khoán Nhật Bản chỉ lình xình khi giới đầu tư chờ đợi tuyên bố chính sách chính thức từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 6,96 điểm (+0,04%), lên 15.376,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 75,83 điểm (+0,33%), lên 22.880,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 9,57 điểm (+0,47%), lên 2.033,93 điểm.
Giá vàng lình xình trong phiên giao dịch châu Á, rồi bật tăng mạnh khi bước vào phiên giao dịch châu Âu khĩ dữ liệu của khu vực không khả quan, giúp vai trò trú ẩn an toàn của vàng tăng lên. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, phát biểu của các quan chức FED về khả năng tăng lãi suất sớm lại khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm trở lại và chỉ đóng cửa ở mức sát trên của phiên đóng cửa trước đó.
Kết thúc phiên 24/6, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD (+0,05%), lên 1.319,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 2,9 USD (+0,22%), lên 1.321,3 USD/ounce.
Cuộc xung đột Iraq có những diễn biến mới theo chiều hướng xấu hơn, khi quân nổi dậy đã chiếm được những thành phố chiến lược để vây hãm Baghdad. Diễn biến này tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu. Một diễn biến đáng chú ý khác là Mỹ đang có dấu hiệu dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô tồn tại hơn 40 năm qua khi cho phép 2 công ty xuất khẩu những sản phẩm dầu siêu nhẹ.
Kết thúc phiên 24/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,14 USD (-0,13%), xuống 106,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,34 USD (+0,30%), lên 114,46 USD/thùng.