Tâm lý nghỉ lễ khiến phố Wall liên tiếp có các phiên giao dịch lình xình với thanh khoản thấp (Ảnh minh họa: AFP)

Tâm lý nghỉ lễ khiến phố Wall liên tiếp có các phiên giao dịch lình xình với thanh khoản thấp (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đồng loạt tăng

(ĐTCK) Thị trường tài chính toàn cầu chủ yếu giao dịch lình xình trong phiên cuối tuần qua do phần lớn nhà đầu tư đã nghỉ lễ sớm.

Sau 2 phiên giảm nhẹ liên tiếp, phố Wall đã phục hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần nhờ dữ liệu kinh tế tích cực được công bố. Theo đó, doanh số bán nhà trong tháng 11 tăng 5,2%, mức cao nhất trong 4 tháng, lên 592.000 đơn vị. Tuy nhiên, cũng giống các phiên trước, thị trường giao dịch không mấy sôi động do đa số nhà đầu tư đang có tâm lý nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Dow Jones tăng 14,93 điểm (+0,07%), lên 19.933,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,83 điểm (+0,13%), lên 2.263,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 15,27 điểm (+0,28%), lên 5.462,69 điểm.

Dù có những phiên điều chỉnh tuần qua, nhưng Dow Jones vẫn kéo dài chuỗi tuần tăng điểm liên tiếp lên con số 7, trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng đảo chiều tăng trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,46%, chỉ số S&P 500 tăng 0,25% và chỉ số Nasdaq tăng 0,47%.

Cũng giống phố Wall, tâm lý nghỉ lễ khiến chứng khoán châu Âu giao dịch ảm đạm và các chỉ số chủ yếu lình xình trong biên độ hẹp trong phiên cuối tuần. Phiên cuối tuần qua, chứng khoán châu Âu cũng chỉ giao dịch nửa ngày để nghỉ lễ Giáng sinh. Mọi con mắt chú ý trong phiên cuối tuần qua trên thị trường chứng khoán châu Âu đều đổ dồn về cổ phiếu ngân hàng với tâm điểm chính là Deutche Bank, Credit Suisse, Barclays liên quan tới vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến việc gian lận chứng khoán thế chấp, khiến gây ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Trong đó, cổ phiếu Deutche Bank tăng nhẹ, Credit Suisse không duy trì được sự tích cực đầu phiên khi cả 2 đồng ý nộp khoản tiền phạt để tranh vụ kiện. Trong khi Barclays giảm 0,9% khi chưa giải quyết được vụ việc.

Kết thúc phiên 23/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,49 điểm (+0,06%), lên 7.068,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 6,17 điểm (-0,05%), xuống 11.449,93 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,05 điểm (+0,10%), lên 4.839,68 điểm.

Các chỉ số chứng khoán châu Âu có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và là tuần tăng thứ 6 trong 7 tuần giao dịch gần nhất. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,81%, chỉ số DAX tăng 0,40% và chỉ số CAC 40 tăng 0,13%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ sớm, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông xuống mức thấp nhất 5 tháng, còn những quy định cứng rắn hơn với khoản đầu tư của các công ty bảo hiểm khiến chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 61,44 điểm (-0,28%), xuống 21.574,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,55 điểm (-0,94%), xuống 3.110,00 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch phiên cuối tuần.

Dù điều chỉnh trong phiên trước kỳ nghỉ lễ, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn duy trì được đà tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có tuần giảm thứ 4 liên tiếp và chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có tuần giảm sau tuần giảm mạnh nhất trong hơn nửa năm qua trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,14%, chỉ số Hang Seng giảm 2,03% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,45%.

Tương tự chứng khoán, giá vàng chủ yếu đi ngang trong phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ và đóng cửa hồi nhẹ nhờ đồng USD giảm.

Kết thúc phiên 23/12, giá vàng giao ngay tăng 5,20 USD (+0,46%), lên 1.133,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 4,5 USD (+0,40%), lên 1.135,2 USD/ounce.

Dù phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn chưa thể thoát khỏi chuỗi tuần giảm khi tiếp tục có tuần giảm thứ 7 liên tiếp, trái ngược với dự đoán của giới phân tích và nhà đầu tư, dù mức giảm thấp hơn nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay trong tuần qua giảm 0,10% và giá vàng giao tháng 2/2017 cũng giảm 0,14%.

Bất chấp giá vàng liên tiếp có chuỗi tuần giảm, trái ngược với dự đoán của đa số nhà phân tích, cũng như nhà đầu tư, nhưng giới phân tích vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của giá kim loại quý này, dù tỷ lệ thấp hơn 2 tuần trước đó, theo các cuộc thăm dò của Kitco.

Cụ thể, trong 17 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 6 người, chiếm 35% cho rằng giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần này, thấp hơn so với mức 44% của tuần trước, thấp hơn nhiều con số  58% và 60% của 2 tuần trước đó nữa; trong khi có 7 người dự báo giá vàng giảm, tương đương 41%, cao hơn so với 38% của tuần trước và 4 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 24%.

Trong khi đó, tuần này chỉ có 402 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, mức thấp hơn rất nhiều so với các tuần trước. Trong đó, có 139 người, chiếm 35% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, nhỉnh hơn so với mức 33% của tuần trước, trong khi số người dự báo giảm là 186 người, chiếm 46%, thấp hơn mức 56% của tuần trước và 77 người, chiếm 19% có quan điểm trung lập hoặc dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Giá dầu thô cũng chủ yếu lình xình trong phiên cuối cùng trước kỳ ngỉ lễ Giáng sinh khi giới đầu tư chờ đợi cách của OPEC như thế nào với quản lý thỏa thuận cắt giảm sản lượng khi nước thành viên là Lybia đang muốn gia tăng sản lượng (Lybia và Nigeria là 2 thành viên được miễn thực hiện thỏa thuận ngừng bắn do xung đột trong nước). Dù vậy, với mức tăng nhẹ trong phiên cuối tuần cũng đủ giúp giá dầu thô Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất 17 tháng.

Kết thúc phiên 23/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,07 USD/thùng (+0,13%), lên 53,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,11 USD (+0,20%), lên 55,16 USD/thùng.

Giá dầu thô Mỹ tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 2,16%, giá dầu thô Brent cũng giảm 0,09%.

Tin bài liên quan