Trong phiên giao dịch thứ Năm, kết quả của cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ không còn tác động nhiều tới giới đầu tư phố Wall, mà hiện các nhà đầu tư đang tập trung vào kết quả kinh doanh quý III.
Sau khi có 2 phiên tăng tốt nhờ sự hỗ trợ từ kết quả tích cực của các ngân hàng và một số cổ phiếu bán lẻ, phố Wall đã có phiên giao dịch giằng co trong phiên thứ Năm khi kết quả kinh doanh của một số ngành vừa công bố có sự trái chiều nhau. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông gây thất vọng, thì nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe lại có lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, các chỉ số chính của phố Wall đều đóng cửa với mức giảm nhẹ, cắt đứt chuỗi tăng liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Dow giảm 40,27 điểm (-0,22%), xuống 18.162,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,95 điểm (-0,14%), xuống 2.141,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 4,58 điểm (-0,09%), xuống 5.241,83 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất 2 tuần nhờ đồng euro giảm mạnh xuống mức thấp nhất 4 tháng so với đồng USD và sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Kết thúc phiên 20/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,98 điểm (+0,07%), lên 7.026,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 55,71 (+0,52%), lên 10.701,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 19,82 điểm (+0,44%), lên 4.540,12 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 6 tháng nhờ tín hiệu tích cực từ phố Wall khi giới đầu tư đánh giá bà Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc tranh luận lần thứ 3.
Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng, cũng như Trung Quốc tăng giá bán lẻ xăng dầu sau khi giá dầu thô thế giới lên mức cao nhất 15 tháng, giúp cổ phiếu các đại gia xăng dầu của Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông tăng mạnh. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại đảo chiều giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 236,59 điểm (+1,39%), lên 16.998,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 69,43 điểm (+0,30%), lên 23.374,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,26 điểm (-0,01%), xuống 3.084,46 điểm.
Sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần, giá vàng đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Năm do sức ép của đồng USD. Trong phiên thứ Năm, sau 2 phiên giảm, giá vàng đã vọt tăng trở lại, lên mức cao nhất gần 8 tháng.
Kết thúc phiên 20/10, giá vàng giao ngay giảm 3,7 USD (-0,29%), xuống 1.265,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,4 USD (-0,19%), xuống 1.267,5 USD/ounce.
Tương tự, sau khi tăng lên mức cao nhất 15 tháng trong phiên thứ Tư nhờ thông tin hỗ trợ từ kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh tuần trước và các nước sản xuất lớn đang hướng đến một thỏa thuận giảm sản lượng, giá dầu thô đã đảo chiều giảm mạnh trong phiên thứ Năm do sức mạnh của đồng USD và áp lực chốt lời.
Kết thúc phiên 20/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,17 USD/thùng (-2,32%), xuống 50,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,29 USD (-2,51%), xuống 51,38 USD/thùng.