Sau phiên khởi sắc hôm thứ Tư và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong đó chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 21.000 điểm, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt điều chỉnh giảm trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời diễn ra tại nhóm cổ phiếu ngân hàng với chỉ số S&P tài chính giảm 1,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Giêng. Trước đó, cổ phiếu ngân hàng đã có chuỗi tăng giá ấn tượng, nhất là trong phiên thứ Tư với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra trong tháng 3 này.
Trong khi đó, cổ phiếu của Caterpillar giảm tới 4,3%, xuống 94,36 USD/cổ phiếu, góp phần kéo Dow Jones và S&P 500 giảm điểm trong phiên thứ Tư sau thông tin các quan chức liên bang đang mở cuộc điều tra vào nhà máy tại Illinois của hãng.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones giảm 112,58 điểm (-0,53%), xuống 21.002,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,04 điểm (-0,59%), xuống 2.381,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 42,81 điểm (-0,73%), xuống 5.861,22 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh trong phiên thứ Năm sau phiên tăng mạnh trước đó. Tuy nhiên, đà giảm chỉ ở mức khiêm tốn, thậm chí chứng khoán Pháp vẫn duy trì được sắc xanh nhạt. Chứng khoán châu Âu không giảm mạnh trong phiên thứ Năm nhờ có sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn vừa có báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,55 điểm (-0,01%), xuống 7.382,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 7,62 điểm (-0,06%), xuống 12.059,57 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,97 điểm (+0,06%), lên 4.963,80 điểm.
Trong khi đó, ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó sau bài phát biểu đầu tiên của ông Trump trước quốc hội Mỹ, cùng với việc đồng yên suy yếu so với đồng USD với kỳ vọng Fed tăng lãi suất, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng mạnh để lên mức cao nhất 14 tháng trong phiên thứ Năm.
Ngược lại, chứng khoán Hồng Kông không duy trì được đà tăng khi quay đầu giảm điểm trong phiên chiều khi một số nhà đầu tư tận dụng đà tăng của thị trường để bán ra, thực hiện hóa lợi nhuận trước viễn cảnh ảm đạm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục mất điểm trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư lo lắng việc Fed tăng lãi suất có thể khiến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút bởi khỏi thị trường này. Ngoài ra, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đại lục cũng phản ứng với những quy định mới của cơ quan quản lý nhằm hạn chế việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 171,26 điểm (+0,88%), lên 19.564,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 48,42 điểm (-0,20%), xuống 23.728,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,71 điểm (-0,36%), xuống 3.230,03 điểm.
Kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp diễn ra khiến đồng USD liên tiếp tăng mạnh và đã leo lên mức cao nhất 5 tuần trong phiên thứ Năm, đẩy giá vàng giảm mạnh. Ngoài ra, giá vàng còn chịu áp lực chốt lời sau khi lên mức cao nhất 3 tháng rưỡi trong phiên đầu tuần. Trong phiên thứ Năm, giá vàng giảm dần đều trong phiên châu Á và châu Âu, dù nỗ lực khi bước vào phiên Mỹ, nhưng sức ép từ lực cung, cùng việc đồng USD tăng mạnh đã khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm mạnh xuống sát ngưỡng 1.230 USD/ounce.
Kết thúc phiên 2/3, giá vàng giao ngay giảm 15 USD (-1,20%), xuống 1.234,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 17,1 USD (-1,37%), xuống 1.232,9 USD/ounce.
Trước đó, OPEC cho biết, các thành viên của tổ chức này đã tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm trong tháng 2. Thông tin này giúp giá dầu thô đứng vững trước sức ép về lượng hàng dự trữ của Mỹ liên tiếp gia tăng trong 7 tuần qua.
Tuy nhiên, trong phiên thứ Năm, giá dầu thô giảm mạnh hơn 2% sau thông tin cho thấy, sản lượng khai thác của Nga - một trong những nhà sản xuất lớn ngoài OPEC có thỏa thuận cắt giảm sản lượng - vẫn không thay đổi trong tháng 2. Điều này có nghĩa Nga đã không thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng một cách tích cực.
Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,22 USD/thùng (-2,32%), xuống 52,61 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,28 USD (-2,32%), xuống 55,08 USD/thùng.