Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch vừa qua bằng phiên giảm nhẹ. Trong tuần qua, phố Wall có tuần giao dịch đầy biến động khi chịu tác động của nhiều thông tin khác nhau như biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed, giá dầu tăng, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp. Hiện thị trường đang bước vào cuối của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II và giới đầu tư hiện đang dồn về cuộc họp thường niên của các thống đốc Ngân hàng Trung ương tổ chức tại Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) trong tuần này.
Trong cuộc gặp mặt này, sẽ có những thông điệp quan trọng được đưa ra, trong đó Chủ tịch Fed, Janet Yellen được kỳ vọng sẽ đưa ra thông điệp giãn thời gian tăng lãi suất của mình.
Kết thúc phiên 19/8, chỉ số Dow Jones giảm 45,13 điểm (-0,24%), xuống 18.552,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,15 điểm (-0,14%), xuống 2.183,87 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,77 điểm (-0,03%), xuống 5.238,38 điểm.
Sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp, phố Wall đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,13%, chỉ số S&P 500 giảm 0,01%, trong khi chỉ số Nasdaq vẫn duy trì đà tăng nhẹ 0,10%.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố và sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn.
Kết thúc phiên 19/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 10,01 điểm (-0,15%), xuống 6.857,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 58,67 điểm (-0,55%), xuống 10.544,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 36,54 điểm (-0,82%), xuống 4.400,52 điểm.
Sau phiên hồi mạnh tuần trước đó, chứng khoán châu Âu đã nhanh chóng giảm trở lại trong tuần qua, trong đó chỉ số FTSE 100 giảm 0,84%, chỉ số DAX giảm 1,58%% và chỉ số CAC 40 giảm 2,21%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của chứng khoán châu Âu kể từ giữa tháng 6.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần qua khi đà tăng của đồng yên được hãm lại. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của các thống đốc Ngân hàngTtrung ương tại Mỹ trong tuần này. Tương tự, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng duy trì được đà tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông điều chỉnh khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của lãnh đạo ngân hàng trung ương trong tuần này.
Kết thúc phiên 19/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 59,81 điểm (+0,36%), lên 16.545,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 85,94 điểm (-0,37%), xuống 22.937,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 4,61 điểm (+0,15%), lên 3.108,72 điểm.
Sau khi tăng tới 5,21% trong tuần trước đó, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 2,21% trong tuần qua và tính trong 3 tuần gần nhất, chỉ số Nikkei 225 gần như đứng ở vạch xuất phát. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng duy trì đà tăng 0,75%, chỉ số Shanghai Composite cũng tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,89%.
Trong phiên cuối tuần, việc đồng USD phục hồi mạnh sau 5 phiên giảm liên tiếp đã khiến giá vàng thoát khỏi thế lình xình bằng phiên giảm mạnh. Phiên giảm mạnh cuối tuần cũng đã lấy đi gần hết những lỗ lực của giá vàng trong tuần, khiến giá kim loại quý này chỉ có được mức tăng rất nhẹ trong tuần.
Kết thúc phiên 19/8, giá vàng giao ngay giảm 11,0 USD (-0,81%), xuống 1.341,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 11,4 USD (-0,84%), xuống 1.345,8 USD/ounce.
Tương tự tuần trước, giá vàng cũng chỉ lình xình trong tuần qua và chỉ kết thúc tuần với mức tăng nhẹ. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 0,40%, và giá vàng tương lai giao tháng 12 hồi 0,31% sau khi giảm 0,59% trong tuần trước.
Việc giá vàng lình xình trong 2 tuần qua, cũng như chờ đợi cuộc họp của các ngân hàng trung ương tuần này khiến giới phân tích có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng của giá kim loại quý. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân chưa bao giờ hết kỳ vọng về đà tăng của giá vàng, nên số người dự báo giá vàng tăng vẫn luôn chiếm thế áp đảo.
Cụ thể, trong số 19 nhà phân tích và môi giới trả lời, chỉ có 6 người, chiếm 32% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn nhiều so với mức 71% của tuần trước đó. Đây cũng là số người dự báo giá vàng sẽ giảm trong tuần mới, cao hơn mức 24% trong tuần trước đó và 7 người, chiếm 37% dự báo giá kim loại quý sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 961 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, vẫn có tới 631 người, chiếm 66% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, tương đương với tuần trước, chỉ có 204 người, chiếm 21% dự báo giảm và 126 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập hoặc dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Những thông tin hỗ trợ về khả năng đóng băng sản lượng giúp giá dầu thô có chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp. Đà tăng tiếp tục được duy trì trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, do đồng USD phục hồi mạnh, đã hãm đà tăng của giá nhiên liệu này, trong đó giá dầu thô Brent thậm chí còn giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 19/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,3 USD/thùng (+0,62%), lên 48,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,02%), xuống 50,88 USD/thùng.
Với chuỗi phiên tăng liên tiếp trong tuần, giá dầu thô tiếp tục có tuần tăng điểm với biên độ tăng mạnh hơn nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 9,06% (tuần trước tăng 6,44%) và dầu thô Brent tăng 8,32% (tuần trước tăng 6,10%).