Chứng khoán Mỹ giằng co trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư thận trọng trước nhiều thông tin trái chiều. Theo đó, giá đồng giảm mạnh, cùng đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức thấp nhất 10 năm báo hiệu triển vọng kém lạc quan của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, giới đầu tư kỳ vọng về kế hoạch cắt giảm thuế sẽ chính thức có hiệu lực trước ngày 22/12 này.
Một thượng nghị sĩ Mỹ lên tiếng lạc quan về việc các nhà đàm phán của 2 viện sẽ đạt được thỏa thuận trước ngày 22/12, nhằm giảm bớt những khác biệt giữa 2 dự luật mà Hạ viện và Thượng viện đã thông qua.
Dù vậy, với việc giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, gây sức ép lên nhóm cổ phiếu năng lượng, khiến Dow Jones và S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm rất kiêm tốn. Trong khi đó, với sự hồi phục của nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi bị bán tháo đầu tuần, Nasdaq đã bứt lên trong nửa cuối phiên chiều và chính thức hồi phục trở lại khi chốt phiên thứ Tư sau 2 phiên giảm đầu tuần. Trong đó, cổ phiếu của Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook tăng hơn 1%.
Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Dow Jones giảm 39,73 điểm (-0,16%), xuống 24.140,91 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,30 điểm (-0,01%), xuống 2.629,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,16 điểm (+0,21%), lên 6.776,38 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh hồi phục do đồng bảng Anh giảm mạnh khi việc đàm phán Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) không suôn sẻ, còn lại chứng khoán Đức và Pháp tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, chứng khoán Đức lúc đầu giảm rất mạnh do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng và khai thác mỏ khi giá dầu và giá các kim loại quý giảm mạnh, ngoại trừ giá đồng hồi nhẹ sau phiên lao dốc trước đó. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu sản xuất chip, đà giảm đã được hãm lại, thậm chí nếu may mắn, chứng khoán Pháp cũng đã có được sắc xanh.
Kết thúc phiên 6/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 20,53 điểm (+0,28%), lên 7.348,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 49,69 điểm (-0,38%), xuống 12.998,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 1,18 điểm (-0,02%), xuống 5.374,35 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á có phiên lao dốc mạnh khi các nhà đầu tư có nhiều mối lo để bận tâm. Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, áp lực bán gia tăng mạnh khi chỉ số Nikkei 225 lên ngưỡng kháng cự kỹ thuật, cùng mối lo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (điều này đã trở thành sự thật), một động thái có thể gây làn sóng bạo động ở Trung Đông, khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất 8 tháng rưỡi.
Trong khi đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đà sụt giảm của cổ phiếu Tencent khiến chứng khoán Hồng Kông lao dốc hơn 2%.
Chứng khoán Trung Quốc dù không giảm quá mạnh, nhưng cũng đóng cửa trong sắc đỏ khi giới đầu tư lo ngại các ngân hàng sẽ tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giàm 445,34 điểm (-1,97%), xuống 22.177,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 618,00 điểm (-2,14%), lên 28.224,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,71 điểm (-0,29%), xuống 3.293,96 điểm.
Dù thị trường đối mặt với nhiều nỗi lo, từ khả năng bạo lục ở Trung Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, kinh tế thế giới đứng trước mối lo suy giảm, nhưng giá vàng vẫn không thể tận dụng để đảo chiều đi lên, mà tiếp tục có phiên giảm trong ngày thứ Tư. Lý do bởi chịu tác động chung của giá các kim loại khác, cũng như đà lao dốc của giá dầu thô. Ngoài ra, việc đồng USD tiếp tục tăng mạnh, lên mức cao nhất hơn 2 tuần cũng gây áp lực lên giá kim loại quý.
Kết thúc phiên 6/12, giá vàng giao ngay giảm 3,1 USD/ounce (-0,24%), xuống 1.262,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 hồi nhẹ 1,2 USD/ounce (-0,01%), lên 1.262,8 USD/ounce.
Sau khi nỗ lực hồi nhẹ trong phiên thứ Ba với dự báo kho dự trữ dầu của Mỹ giảm, giá dầu thô đã lao mạnh trong phiên thứ Tư với mức giảm mạnh nhất hơn 2 tháng khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, dù kho dự trữ dầu thô giảm mạnh, nhưng kho dự trữ sản phẩm tinh chế tăng mạnh cho thấy nhu cầu yếu hơn dự báo.
Cụ thể, theo số liệu vừa công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 6,5 triệu thùng, nhiều hơn con số dự báo 3,4 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, kho dự trữ xăng lại tăng tới 6,8 triệu thùng và kho dự trữ sản phẩm chưng cất cũng tăng 1,7 triệu thùng.
Việc kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh trong tuần trước chủ yếu do đường ống dẫn dầu xuất khẩu lớn nhất từ Canada sang Mỹ là Keystone đóng cửa vào giữa tháng 11 do rò rỉ tại Nam Dokota, làm giảm sản lượng dầu tới Cushing, Oklahoma.
Kết thúc phiên 6/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,66 USD (-2,90%), xuống 55,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,64 USD (-2,61%), xuống 61,22 USD/thùng.