Nỗi lo về nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã khiến chứng khoán toàn cầu chịu các đợt bán tháo trong những tuần gần đây và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bình luận không mấy khả quan về nền kinh tế toàn cầu càng khiến giới đầu tư thêm lo sợ, đẩy chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần trước.
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, với sự hỗ trợ của Apple nói riêng, nhóm cổ phiếu công nghệ nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính sau khi Fed quyết định chưa tăng lãi suất trong cuộc họp vừa qua, phố Wall đã hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước.
Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall có lúc gặp thử thách do chịu ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học. Trong phiên này, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh sau khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, bà Hillary Clinton cho biết, bà sẽ công bố một kế hoạch ngăn chặn “giá cắt cổ” đối với các loại thuốc chuyên khoa.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones tăng 125,61 điểm (+0,77%), lên 16.510,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,94 điểm (+0,46%), lên 1.966,97 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,73 điểm (+0,04%), lên 4.828,96 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, y tế, nguyên liệu hóa phẩm, bất chấp sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu Volkswagen.
Trong phiên này, cổ phiếu của nhà sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu của Đức giảm tới 22,8%, mức giảm mạnh nhất trong ngày của cổ phiếu này sau khi dính vào vụ điều tra pháp lý liên quan đến việc lắp đặt bộ phận khí thải khiến Volkswagen có thể đối mặt với án phạt lên tới 18 tỷ USD.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,6 (+0,08%), lên 6.108,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 32,35 điểm (+0,33%), lên 9.948,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 49,65 điểm (+1,09%), lên 4.585,5 điểm.
Trong khi chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt hồi phục, thì trên thị trường chứng khoán châu Á lại có sự trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch trong ngày thứ Hai, trước đó chỉ số Nikke 225 đã có 3 phiên giảm liên tiếp cuối tuần trước. Chứng khoán Hồng Kông giảm trở lại sau phiên tăng cuối tuần trước do lo ngại về sự yếu kém của kinh tế toàn cầu, trong khi đó chứng khoán tại Trung Quốc đại lục lại có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong ngày đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 163,9 điểm (-0,75%), xuống 21.756,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 58,62 điểm (+1,89%), lên 3.156,54 điểm.
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này đã điều chỉnh trở lại sau phiên tăng cuối tuần trước. Ngoài áp lực chốt lời, việc đồng USD tăng cũng góp phần đẩy giá vàng quay đầu giảm giá trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 21/9, giá vàng giao ngay giảm 6,5 USD (-0,57%), xuống 1.133,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5 USD (-0,44%), xuống 1.132,8 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường dầu thô, giá dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi Mỹ giảm số lượng gian khoan và các nhà phân tích cho rằng, 1.500 tỷ USD trong kế hoạch đầu tư của Mỹ là không kinh tế khi giá dầu ở mức 50 USD/thùng hoặc thấp hơn.
Kết thúc phiên 21/9, giá dầu thô Mỹ tăng 2 USD/thùng (+4,28%), lên 46,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,45 USD (+2,96%), lên 48,92 USD/thùng