Tăng sức cạnh tranh bằng công nghệ
Giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ từ năm 2020- 2022, hệ thống giao dịch của hàng loạt công ty chứng khoán thường xuyên xảy ra sự cố như nghẽn, đơ, không hủy/sửa được lệnh, hay lệnh không vào sàn… Được xây dựng từ nhiều năm trước (khi quy mô thanh khoản của thị trường còn hạn chế), không được nâng cấp, thay thế, nên hệ thống giao dịch của nhiều công ty chứng khoán có thị phần lớn đã bộc lộ nhược điểm khi thanh khoản gia tăng đột biến.
Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (mã EVS) nổi lên là một trong những công ty mạnh tay đầu tư vào hệ thống giao dịch, công nghệ để tăng trải nghiệm và phục vụ khách hàng tốt nhất.
Theo đó, với định hướng trở thành một công ty tài chính áp dụng công nghệ hiện đại, kể từ đầu năm 2022, Chứng khoán Everest đã đầu tư mạnh mẽ về nhân sự công nghệ và các hệ thống giao dịch hiện đại. Công ty đã cải tổ toàn diện hệ thống công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm phục vụ khách hàng. Tiêu biểu là các dự án phần mềm lõi (core) giao dịch chứng khoán niêm yết, phần mềm lõi giao dịch chứng khoán phái sinh; nâng cấp kênh giao dịch chứng khoán qua web và app mobile; xây dựng sản phẩm mở tài khoản trực tuyến eKYC, giúp khách hàng nhanh chóng sở hữu tài khoản giao dịch chứng khoán.
Đồng thời, Công ty cũng thực hiện số hoá hoạt động, số hoá quy trình, số hoá sản phẩm nhằm tạo ra môi trường giúp cán bộ, nhân viên làm việc trên không gian số. Để thực hiện mục tiêu này, Chứng khoán Everest đã triển khai dự án DigiOffice và dự án xây dựng, khai thác dữ liệu lớn Datalake giúp tìm kiếm và tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng; thấu hiểu nhu cầu, hành vi, trải nghiệm của khách hàng. Từ đó, Công ty sẽ xây dựng các sản phẩm phù hợp, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Chứng khoán Everest cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung hoàn thiện, tối ưu các sản phẩm, hệ thống hiện có; đồng thời tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào 4 trụ cột công nghệ của Công ty, gồm nhân sự, hạ tầng công nghệ, sản phẩm công nghệ, bảo mật và an toàn thông tin.
Vươn lên Top doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất
Từ một công ty chứng khoán nhỏ, những năm gần đây, Chứng khoán Everest đã vươn mình lột xác. Nếu như năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ đạt 8,1 tỷ đồng thì năm 2020 đã tăng đột biến lên 57,2 tỷ đồng và năm 2021 ghi nhận tới 422 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) được cải thiện từ mức 1,13% trong năm 2019 lên mức 7,63% trong năm 2020 và đến năm 2021 đạt mức 31,91%, giúp Công ty lọt Top 5 công ty chứng khoán có hiệu quả sử dụng vốn cao nhất toàn ngành.
Sáu tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán dù biến động mạnh và điểm số và thanh khoản, nhưng Chứng khoán Everest vẫn cho thấy sự hiệu quả hoạt động vượt trội so với các doanh nghiệp trong ngành. Thống kê kết quả kinh doanh nửa đầu năm của 15 công ty chứng khoán niêm yết trên sàn cho thấy, hiệu quả sử dụng tài sản trung bình (ROA) trong giai đoạn này là 2,4% và hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu trung bình (ROE) là 5,1%. Trong đó, Chứng khoán Everest ghi nhận ROA đạt 4,8% và ROE đạt 7,4%.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Chứng khoán Everest ghi nhận doanh thu đạt 650,46 tỷ đồng, tăng 72,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 141,97 tỷ đồng, bằng gần 80% so với cùng kỳ.
Chứng khoán Everest đang sở hữu lợi thế lớn là đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Ông Nguyễn Thành Chung, Tổng giám đốc Công ty là người hơn 20 năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính Việt Nam. Ông Chung từng đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại các công ty chứng khoán như ACBS (4 năm), PHS (7 năm), VNDS, HDBS...
Nhân sự ở lứa tuổi 8X, 9X chiếm đến 85% cơ cấu nhân sự và có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Tính đến 30/6/2022, nhân sự tại Công ty gia tăng gấp đôi và thu nhập bình quân tăng 33% so với năm 2020.
Nhờ tập trung vào yếu tố con người nên chất lượng các bản báo cáo, khuyến nghị mà Chứng khoán Everest đưa ra được nhà đầu tư đón nhận, đánh giá cao.