Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ nhóm cổ phiếu công nghiệp, tiêu dùng và công nghệ, giúp Dow Jones có ngày thứ 9 liên tiếp thiết lập kỷ lục mới. S&P 500 cũng tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ, trong khi với đà hồi phục của nhóm công nghệ, Nasdaq đã có phiên tăng khá mạnh.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi do không muốn đặt cược lớn vào các chính sách của Quốc hội Mỹ và Tổng thống Donalnd Trump, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan quý II sắp kết thúc.
Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Dow Jones tăng 25,61 điểm (+0,12%), lên 22.118,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,08 điểm (+0,16%), lên 2.480,91 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 32,21 điểm (+0,51%), lên 6.383,77 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại tỏ ra yếu ớt trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau phiên tăng vọt cuối tuần trước do sự sụt giảm của các cổ phiếu như năng lượng, y tế và PostNL, Paddy Power Betfair.
Kết thúc phiên 7/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 20,23 điểm (+0,27%), lên 7.531,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,55 điểm (-0,33%), xuống 12.257,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,45 điểm (+0,09%), lên 5.207,89 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng tích cực từ phiên tăng điểm tốt cuối tuần trước của chứng khoán Mỹ, cùng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp mới công bố khả quan, chứng khoán Nhật Bản đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trở lại khi giới đầu tư kỳ vọng dữ liệu kinh tế tháng 7 khả quan. Chứng khoán Hồng Kông cũng lấy lại đà tăng nhanh chóng trong phiên đầu tuần mới nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục.
Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 103,56 điểm (+0,52%), lên 20.055,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 127,68 điểm (+0,46%), lên 27.690,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,38 điểm (+0,53%), lên 3.279,46 điểm.
Sau tuần giao dịch đầy biến động trước đó, giá vàng mở đầu tuần mới khá yên tĩnh khi chỉ giao dịch lình xình ở mức gần giá đóng cửa của phiên cuối tuần trước và đóng cửa gần như không mấy thay đổi do không có thông tin nào tác động đáng kể được công bố.
Kết thúc phiên 7/8, giá vàng giao ngay giảm 1,1 USD/ounce (-0,87%), xuống 1.257,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 0,1 USD/ounce (-0,08%), xuống 1.258,2 USD/ounce.
Sau khi lên mức cao nhất kể từ tháng 5, giá dầu thô đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên đầu tuần mới khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của các quan chức OPEC tại Abu Dhabi và sản lượng gia tăng của Lybia.
Kết thúc phiên 7/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,25 USD/thùng (-0,5%), xuống 49,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,29%), xuống 52,27 USD/thùng.