Sau khi hào hứng với phát biểu có tính “bồ câu” của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed trong phiên thứ Tư, giới đầu tư phố Wall đã thận trọng trở lại trong phiên thứ Năm.
Dù vậy, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính khi chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2017 với kỳ vọng khả quan giúp phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng và lên mức cao kỷ lục mới.
Các ngân hàng sẽ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý II vào thứ Sáu (14/7) với 3 đại gia công bố đầu tiên là JP Morgan Chase, Wells Fargo, Citigroup.
Các chuyên gia phân tích ước tính lợi nhuận quý II của các công ty S&P 500 đã tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó nhóm tài chính được dự báo sẽ có lợi nhuận tốt thứ 3 trong các nhóm ngành.
Sau khi làm dậy sóng thị trường toàn cầu trong bài phát biểu trước Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư, ngày thứ Năm, bà Yellen tiếp tục có bài phát biểu trước Thượng viên. Trong bài phát biểu này, bà Yellen cho rằng, sẽ rất thách thức để Mỹ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay do Tổng thống Donald Trump đưa ra.
Bà Yellen cho biết, dân số già và năng suất thấp khiến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ giảm xuống, với chỉ mức tăng 2% hoặc thấp hơn.
Ngoài ra, thị trường cũng nhận những báo cáo kinh tế mới là chỉ số sản xuất tháng 6 của Mỹ tăng nhẹ 0,1% so với tháng 5, đúng như dự báo và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước giảm 3.000 đơn. Tuy nhiên, hai dữ liệu mới này không tác động nhiều tới thị trường
Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Dow Jones tăng 20,95 điểm (+0,10%), lên 21.553,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,58 điểm (+0,19%), lên 2.447,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,27 điểm (+0,21%), lên 6.274,44 điểm.
Tương tự phố Wall, sau khi thăng hoa trong phiên thứ Tư nhờ phát biểu của bà Yellen, chứng khoán châu Âu cũng giao dịch thận trọng trở lại trong phiên thứ Năm và chỉ duy trì mức tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính.
Kết thúc phiên 13/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,49 điểm (-0,05%), xuống 7.413,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,75 điểm (+0,12%), lên 12.641,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,27 điểm (+0,25%), lên 5.235,40 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số cũng đồng loạt có được sắc xanh. Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản chỉ có được mức tăng rất nhỏ do đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ chỉ đủ bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu tài chính sau khi lợi tức trái phiếu sụt giảm và phát biểu có tính “bồ câu” của bà Yellen ngày thứ Tư.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại tăng mạnh, trong đó chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất 2 năm nhờ dữ liệu thương mại khả quan của Trung Quốc được công bố.
Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 11,3% và nhập khẩu tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,43 điểm (+0,01), lên 20.099,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 302,53 điểm (+1,16%), lên 26.346,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,62 điểm (+0,64%), lên 3.128,16 điểm.
Trong khi đó, trong phiên giao dịch thứ Năm, giá vàng đã trả lại hết tất cả những gì đã có trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng về thị trường, trong khi hiện không có thông tin nào đủ mạnh tác động. Đồng USD hồi phục cũng là một trong những sức ép khiến giá vàng giảm trở lại.
Kết thúc phiên 13/7, giá vàng giao ngay giảm 2,70 USD (-0,22%), xuống 1.217,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,8 USD/ounce (-0,15%), xuống 1.217,3 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm do nhu cầu mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc làm giảm nỗi lo gia tăng nguồn cung từ OPEC và báo cáo về nhu cầu giảm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Cụ thể, theo thông tin mới công bố, Trung Quốc đã nhập khẩu 8,55 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016, khiến nước này vượt qua Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên 13/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,59 USD/thùng (+1,29%), lên 46,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,68 USD (+1,42%), lên 48,42 USD/thùng.