Chuỗi giảm điểm của phố Wall đã chấm dứt ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ đồng USD giảm giá và sự lạc quan về giá hàng hóa sẽ ổn định trở lại.
Sau khi Fed quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 4, chỉ số USDIndex đã có chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp và trong phiên đầu tuần mới, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Dow Jones tăng 117,52 điểm (+0,66%), lên 17.891,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,13 điểm (+0,78%), lên 2.081,43 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 42,24 điểm (+0,88%), lên 4.817,59 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên đầu nhờ dữ liệu cho thấy, hoạt động sản xuất của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng vào tháng 4 nhờ vào nhu cầu tăng trong và ngoài nước.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số DAX tại Đức tăng 84,3 điểm (+0,84%), lên 10.123,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,79 điểm (+0,31%), lên 4.442,75 điểm. Thị trường chứng khoán Anh quốc nghỉ giao dịch.
Trên thị trường châu Á, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cũng nghỉ lễ trong phiên đầu tuần, sự chú ý chủ yếu tập trung vào chứng khoán Nhật Bản. Ngay trong phiên giao dịch trở lại, chứng khoán Nhật Bản đã nhanh chóng lao dốc, tiếp đà giảm mạnh của phiên thứ Năm tuần trước. Tuần trước, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh do tác động từ thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không đưa thêm chính sách nào để hỗ trợ nền kinh tế dù dữ liệu vừa công bố cho thấy, kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với giảm phát. Quyết định của BOJ tiếp tục khiến đồng yên tăng mạnh và đẩy chứng khoán Nhật Bản tiếp tục lao dốc ngay khi mở cửa đầu tuần mới, xuống mức thấp nhất gần 3 tuần.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Nikkei 225 giảm 518,67 điểm (-3,11%), xuống 16.147,38 điểm. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch phiên đầu tuần.
Sự sụt giảm của đồng USD đã giúp giá vàng tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới, vượt qua mốc 1.300 USD/ounce, lên mức cao nhất 15 tháng. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực chốt lời gia tăng đã khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm nhẹ khi chốt phiên.
Kết thúc phiên 2/5, giá vàng giao ngay giảm 1,5 USD (-0,12%), xuống 1.290,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,9 USD (+0,07%), lên 1.295,8 USD/ounce.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần với giá dầu thô Mỹ giảm hơn 2,5% do thông tin sản lượng tại Trung Đông tăng, bù đắp cho sự sụt giảm trong sản lượng của Mỹ.
Theo thông tin từ Cơ quan năng lượng Mỹ, xuất khẩu của Mỹ đã giảm từ mức đỉnh 9,6 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2015 xuống còn 9 triệu thùng/ngày hiện nay. Sự sụt giảm sản lượng của Mỹ là lý do đẩy giá dầu thô tăng liên tục từ đầu năm.
Tuy nhiên, Iraq, nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 của OPEC cho biết kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng trong tháng 4. Bên cạnh đó, Iran sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt trong tháng Giêng cũng đã gia tăng xuất khẩu để lấy lại thị phần.
Sự gia tăng nguồn cung của các nước Trung Đông trong OPEC đã đẩy giá dầu thô tiếp tục sụt giảm.
Kết thúc phiên 2/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,14 USD (-2,55%), xuống 44,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,06%), xuống 48,10 USD/thùng.