Phố Wall thoát khỏi phiên giảm điểm tiếp theo nhờ nhóm cổ phiếu lớn (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall thoát khỏi phiên giảm điểm tiếp theo nhờ nhóm cổ phiếu lớn (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán đứng vững, giá vàng lao dốc

(ĐTCK) Dù gặp không ít rung lắc, nhưng với sự hỗ trợ của một số mã lớn, cả phố Wall và chứng khoán châu Âu đều đảo chiều tăng điểm trở lại, trong khi khả năng Fed tăng lãi suất lớn dần khiến giá vàng lao dốc mạnh.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,4%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/2013, sau khi tăng 0,1% trong tháng 3. Như vậy, CPI theo năm trong tháng 4 tăng 1,1% so với mức 0,9% trong tháng 3.

Phố Wall mở cửa trong sắc đỏ khi thông tin lạm phát cùa Mỹ tăng trở lại được công bố. Việc lạm phát tăng trở lại khiến cho khả năng Fed tăng lãi suất sẽ xảy ra sớm hơn. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của các mã lớn như Apple và Amzone, phố Wall đã dần phục hồi cuối phiên.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số Dow Jones giảm 3,36 điểm (-0,02%), xuống 17.526,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,42 điểm (+0,02%), lên 2.047,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,39 điểm (+0,50%), lên 4.739,12 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau những phiên giao dịch yếu ớt trước đó. Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ phố Wall hồi phục và nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc, bù đắp thông tin về kết quả kinh doanh kém tích cực từ các công ty mới công bố.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,97 điểm (-0,03%), xuống 6.165,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,04 (+0,54%), lên 9.943,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,73 điểm (+0,51%), lên 4.319,30 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản kết thúc gần như bằng phẳng trong phiên thứ Tư khi chịu tác động của các thông tin trái chiều. Theo dữ liệu mới công bố, GDP của Nhật Bản mạnh hơn dự kiến, nhưng đồng yên lại tăng so với đồng USD, gây ảnh hưởng không tốt lên các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục giảm mạnh trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và một quan chức của Fed phát biểu về việc sớm tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 8,11 (-0,05%), xuống 16.644,69  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 292,39 (-1,45%), xuống 19.826,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 36,17 điểm (-1,27%), xuống 2.807,51 điểm.

Thông thường, mỗi khi có lạm phát sẽ giúp giá vàng tăng, bởi vàng là kênh đầu tư được lựa chọn để trú ẩn lạm phát, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, thiên tai… Tuy nhiên, lần này lại khác, việc CPI của Mỹ tăng mạnh khiến khả năng Fed tăng lãi suất sớm xảy ra lớn hơn, tác động tiêu cực lên giá vàng. Ngoài ra, việc đồng USD tăng mạnh sau thông tin trên cũng góp phần kéo giá vàng lao dốc trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 18/5, giá vàng giao ngay giảm 20,8 USD (-1,63%), xuống 1.258 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,5 USD (-0,2%), xuống 1.274,4 USD/ounce.

Giá dầu thô đã chính thức đảo chiều giảm trở lại khi nhận một loạt thông tin không khả quan. Cụ thể, theo số liệu vừa được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng 1,31 triệu thùng, lên 541,29 triệu thùng. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu của Iran sang châu Âu và châu Á đang được gia tăng và đồng USD cũng tăng mạnh.

Kết thúc phiên 18/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,12 USD (-0,25%), xuống 48,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,35 USD (-0,72%), xuống 48,93 USD/thùng.

Tin bài liên quan