Chứng khoán DSC: Cổ phiếu sữa nhiều tiềm năng

Chứng khoán DSC: Cổ phiếu sữa nhiều tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến tích cực của thị trường thể hiện rõ tâm lý tự tin của nhà đầu tư, với kỳ vọng giá tiếp tục tăng sau kỳ nghỉ lễ.

4 phiên tăng liên tiếp

VN-Index kết thúc tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ đạt 1.224,05 điểm, tăng 40,68 điểm (3,44%). Như vậy, cả 4 phiên trong tuần qua, chỉ số đều tăng điểm, dù mua vào trong 2 phiên cuối tháng 8, nhà đầu tư sẽ phải đợi sau kỳ nghỉ lễ mới có thể bán ra. Diễn biến thị trường tích cực thể hiện rõ tâm lý tự tin của nhà đầu tư, không lo ngại rủi ro về mặt thông tin có thể xuất hiện.

Dòng tiền tiếp tục quan tâm đến các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán, bán lẻ, đồng thời luân chuyển sang các nhóm khác như xuất khẩu (dệt may, gỗ), thép, bất động sản, đầu tư công. Tuy nhiên, sang tháng 9, DSC khuyến nghị, nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý III này.

Sữa: Ngành hàng tiềm năng

Ngành thực phẩm và nhỏ hơn là các doanh nghiệp sản xuất sữa thường ít được chú ý, ngoại trừ những cái tên tiêu biểu như Vinamilk (VNM) hay Mộc Châu Milk (MCM). Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 6 năm nay, dòng tiền lớn quan tâm nhiều hơn tới ngành sữa.

Về mặt thách thức, tuy là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu nhưng tình hình kinh tế khó khăn vẫn có thể làm suy giảm mức độ tiêu thụ. Cụ thể, GDP bình quân 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn đến thị trường xuất khẩu.

Mặc dù vậy, quy mô ngành sữa Việt Nam đã đạt mức 5 tỷ USD và còn nhiều động lực tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người chỉ khoảng 27 lít/người/năm, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Đặc biệt, với nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có lợi cho sức khỏe thì ngành sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa, nhất là các mảng sản phẩm sữa thay thế như sữa chua, sữa ngũ cốc, sữa trái cây và sữa dành cho người lớn tuổi. Theo nhiều dự báo, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người sẽ đạt 40 lít/người/năm vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4%/năm.

Tiềm năng tăng trưởng lớn nhất của ngành sữa trong năm 2023 đến từ yếu tố nguyên liệu đầu vào. Giá nguyên liệu bột sữa đang ở mức rất thấp khi sữa bột nguyên kem là 2.864 USD/tấn, giảm gần 40% so với mức kỷ lục vào tháng 3/2022 và đánh dấu mức thấp nhất trong 3 năm qua. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sữa tích trữ nguồn nguyên liệu giá rẻ, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.

Diễn biến giá nguyên liệu sữa bột nguyên kem (WMP) và sữa bột tách béo (SMP) (Đơn vị: USD/tấn).

Diễn biến giá nguyên liệu sữa bột nguyên kem (WMP) và sữa bột tách béo (SMP) (Đơn vị: USD/tấn).

Hiện nay, New Zealand, Úc và EU vẫn là những thị trường nhập khẩu chính của các doanh nghiệp sữa Việt Nam, bên cạnh nguồn cung từ đàn bò có sẵn trong nước. Ngoài ra, giá ngô (một trong những nguyên liệu thức ăn cho bò sữa) cũng đang ở mức rất thấp, khoảng 6.150 - 6.400 đồng/kg (thấp nhất kể từ tháng 12/2020) và nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm 2023 nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp sữa giảm chi phí đầu vào.

Với tiềm năng trên, VNM là cổ phiếu đầu ngành được DSC đánh giá cao khi biên lợi nhuận có khả năng cải thiện mạnh trong những quý tới. Trong quý II/2023, lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt khoảng 6.150 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp đạt 40,48%, chấm dứt sự sụt giảm trong 4 quý liên tiếp. Sự phục hồi này đến từ giá sữa bột nguyên kem và sữa bột tách béo giảm mạnh, do Trung Quốc tăng nguồn cung sữa trong nước và giảm nhập khẩu.

Vinamilk vẫn đang sử dụng nguyên liệu được mua từ hồi đầu năm. Ước tính, kể từ quý III, khi doanh nghiệp bắt đầu sử dụng nguồn nguyên vật liệu giá rẻ thì biên lợi nhuận sẽ có sự đột phá. Sự cải thiện này có thể sẽ kéo dài sang năm 2024, vì Vinamilk thường tích trữ nguồn nguyên liệu cho một khoảng thời gian dài.

DSC dự phóng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) 12 tháng của Vinamilk đạt 5.196,6 đồng, tương ứng với P/E là 17,2 lần, với giả định giá nguyên vật liệu bao gồm bột sữa và ngô không có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, giá mục tiêu của cổ phiếu VNM 12 tháng tới là 89.640 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan