Lãi suất tại Mỹ tăng, lạm phát tăng cao kỷ lục trong hàng thập kỷ qua cộng với việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều đại phương ở Trung Quốc đang làm cho thị trường chứng khoán của các quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong những lựa chọn tốt nhất cho dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm này.
Các nhà đầu tư cho rằng việc các quốc gia Đông Nam Á đang tái mở cửa nền kinh tế sau thời gian bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid 19 đang giúp chỉ số MSCI Asean Index thoát ra khỏi xu hướng giảm giá kéo dài trong 3 năm qua.
Các quỹ đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu của các quốc gia Đông Nam Á hàng tháng kể từ đầu năm nay với tổng giá trị mua ròng hiện đã lên tới 10 tỷ USD, số liệu thống kê của Bloomberg cho hay.
“Đang có sự quan tâm ngày càng lớn đối với khu vực châu Á”, Alexander Treves, Giám đốc bộ phận đầu tư cổ phiếu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của JPMorgan Asset Management, cho biết. “Đông Nam Á đang nổi lên sau giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid và hiện khu vực này đang hưởng lợi từ việc này. Khu vực này cũng có nhiều quốc gia xuất khẩu hàng hóa cơ bản, chẳng hạn như Indonesia.
Cú huých từ du lịch
Các nền kinh tế Đông Nam Á đang được hưởng lợi lớn từ việc hồi sinh của ngành công nghiệp du lịch, một ngành dịch vụ đóng góp tới 12% GDP của khu vực này trong năm 2019.
Khách du lịch tới Thái Lan, Malaysia và Indonesia ngày càng tăng do các quốc gia này hiện đang thực thi chính sách miễn kiểm dịch đối với những du khách đã tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó Singapore thì đã gần như trở lại trạng thái bình thường như trước khi đại dịch diễn ra.
“Các quốc gia Đông Nam Á đã tái mở cửa đất nước với rất ít hạn chế đối với việc đi lại, vì thế tôi cho rằng du lịch và tiêu dùng sẽ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là khi mùa du lịch hè đang tới gần”, David Chao, chuyên gia thị trường toàn cầu tại Invesco Ltd tại Hong Kong nói và cho biết thêm: “Cổ phiếu của các công ty Đông Nam Á hiện đang hấp dẫn hơn cổ phiếu của các công ty ở khu vực Bắc Á”.
Trong khi đó khu vực Đông Nam Á hiện đang được coi là nơi để đối phó với lạm phát do cuộc xung đột Nga – Ucraina hiện đang làm cho giá cả hàng hóa toàn cầu gia tăng. Malaysia là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ròng trong khi Indonesia là quốc gia xuất khẩu than, dầu cọ, khí tự nhiên và nhiều hàng hóa khác. Những yếu tố này đã làm cho giá cổ phiếu của các công ty trong ngành này gia tăng.
Chỉ số Jakarta Composite Index hiện đang là chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất của khu vực châu Á kể từ đầu năm cho tới nay, tăng gần 10% và hiện đang đạt mức gần như cao nhất lịch sử. Trong khi đó MSCI Asean Index đang cho thấy chỉ số này sẽ tăng trưởng tốt hơn chỉ số MSCI All Country World Index quý thứ hai liên tiếp sau khi kết thúc quý này.
Theo dõi sát động thái của Fed
Bất chấp việc Fed liên tục tăng lãi suất, các thị trường chứng khoán Đông Nam Á vẫn tăng trưởng tốt, trái ngược với những năm trước đây.
Giờ đây các nhà đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương của các quốc gia trong khu vực sẽ thành công trong việc chuyển sang thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nếu lạm phát tiếp tục lan rộng.
Ảnh hưởng của việc thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất là sẽ mang lại lợi ích cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - những công ty chiếm tới gần 40% giá trị của MSCI Asean Index.
“Nếu xét yếu tố này thì Singapore và Indonesia là hai thị trường rất triển vọng trong những tháng tới”, các chuyên gia của Deutsche Bank nhận định hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Thiên đường địa chính trị
Trong khi cổ phiếu của các công ty Mỹ đang trở nên đắt đỏ do lãi suất gia tăng, cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán châu Âu bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Uncraina, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc thực thi chính sách Zero Covid của chính phủ nước này thì cổ phiếu của các nền kinh tế Đông Nam Á dường như đang có ưu thế vượt trội.