Cụ thể, trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Trump cho biết, ông muốn thúc đẩy kinh tế Mỹ bằng "cuộc cải cách về thuế mang tính lịch sử" với các công ty để họ có thể "cạnh tranh và phát triển thịnh vượng ở bất cứ đâu và với bất cứ ai". Đồng thời, sẽ thúc đẩy kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD.
Phát biểu của ông Trump đã truyền sự hứng khởi tới các nhà đầu tư, giúp thị trường tăng vọt trong phiên thứ Tư, cả 3 chỉ số chính đều thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong đó chỉ số Dow Jones lần đầu tiên thiết lập mốc 21.000 điểm.
Ngoài phát biểu của ông Trump, dữ liệu kinh tế mới công bố tích cực cũng hỗ trợ thị trường. Cụ thể, Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ISM sản xuất trong tháng 2 lên mức cao nhất từ năm 2014.
Những thông tin mới khiến cho khả năng Fed tăng lãi suất sớm trong cuộc họp tháng 3 này lên cao và càng làm cho nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh hơn.
Việc Fed tăng lãi suất giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, nhưng cũng sẽ khiến vốn vào thị trường chứng khoán đắt hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán. Dù vậy, về dài hạn, nó cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh và điều này lại có lợi cho chứng khoán.
Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Dow Jones tăng 303,31 điểm (+1,46%), lên 21.115,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,32 điểm (+1,37%), lên 2.395,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 78,59 điểm (+1,35%), lên 5.904,03 điểm.
Lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới và khả năng Fed tăng lãi suất, nhóm cổ phiếu ngân hàng và xây dựng trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc, giúp các chỉ số chính trong khu vực tăng vọt trong phiên thứ Tư. Trong đó, chỉ số chứng khoán chung của khu vực lên mức cao nhất 15 tháng, chỉ số CAC của Pháp lên mức cao nhất 15 tháng, trong khi chỉ số DAX của Đức lên mức cao nhất 22 tháng.
Kết thúc phiên 1/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 119,46 điểm (+1,64%), lên 7.382,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 232,78 điểm (+1,97%), lên 12.067,19 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 102,25 điểm (+2,10%), lên 4.960,83 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sắc xanh cũng bao phủ các thị trường chính trong khu vực. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng với mức tăng mạnh hơn phiên trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều tăng trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp nhờ các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc khả quan. Trong khi đó, sau phiên tăng mạnh trước đó và trong nửa đầu phiên thứ Tư với dữ liệu kinh tế tích cực, chứng khoán Trung Quốc bị chốt lời nửa cuối phiên, khiến thị trường đảo chiều giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 274,55 điểm (+1,44%), lên 19.393,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 35,76 điểm (+0,15%), lên 23.776,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,92 điểm (-0,03%), xuống 3.241,74 điểm.
Trong khi chứng khoán khởi sắc, thì giá vàng lại chịu sức ép với khả năng Fed tăng lãi suất, đẩy đồng USD lên cao. Có lúc giá kim loại quý này giảm xuống sát ngưỡng 1.235 USD/ounce trước khi bật trở lại và có mức tăng nhẹ. Trong khi giá vàng giao tương lại vẫn duy trì đà giảm.
Kết thúc phiên 1/3, giá vàng giao ngay tăng 1,2 USD (+0,1%), lên 1.249,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 3,9 USD (-0,31%), xuống 1.250,0 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục có phiên lình xình thứ 3 liên tiếp khi mức dao động của cả 2 giá dầu thô Mỹ và Brent rất hẹp.
Ngoài sức ép từ đồng USD tăng mạnh với khả năng Fed tăng lãi suất, giá dầu thô còn chịu áp lực từ nguồn cung gia tăng tại Mỹ. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 1,5 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với dự báo và con số đưa ra ngày trước đó của Viện Dầu khí Mỹ, nhưng đây là tuần ghi nhận tăng thứ 8 liên tiếp, lên mức 520,2 triệu thùng.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô Mỹ được hãm lại, trong khi giá dầu thô Brent thoát khỏi phiên giảm tiếp theo với thông tin OPEC cắt giảm sản lượng tháng thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 1/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,18 USD/thùng (-0,33%), xuống 53,83 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,01 USD (+0,02%), lên 55,60 USD/thùng.