Trong phiên cuối tuần qua, phố Wall đã nỗ lực hồi phục trở lại nhờ đà tăng mạnh của giá dầu. Tuy nhiên, các chỉ số đều nhanh chóng giảm điểm trở lại vào cuối phiên khi giới đầu tư nghi ngờ về khả năng thúc đẩy các chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump sau khi ông Trump sa thải chiến lược gia Steve Bannon.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Dow Jones giảm 76,22 điểm (-0,35%), xuống 21.674,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,46 điểm (-0,18%), xuống 2.425,55 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,39 điểm (-0,09%), xuống 6.216,53 điểm.
Sau tuần giảm điểm do căng thẳng địa chính trị tuần trước, phố Wall đã nỗ lực hồi phục trở lại trong đầu tuần qua, tuy nhiên, những vấn đề xảy ra tại Nhà trắng đã khiến phố Wall liên tiếp giảm trở lại trong những phiên cuối tuần và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones giảm 0,84%, chỉ số S&P 500 giảm 0,65% và chỉ số Nasdaq giảm 0,64%.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần qua khi thị trường phản ứng tiêu cực với vụ khủng bố tại Barcelona, Tây Ban Nha.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,89 điểm (-0,86%), xuống 7.323,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 38,27 điểm (-0,31%), xuống 12.165,19 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 32,70 điểm (-0,64%), xuống 5.114,15 điểm.
Dù giảm điểm mạnh trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng điểm tốt đầu tuần, chứng khoán châu Âu đã hồi phục trở lại trong tuần qua sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 0,19%, chỉ số DAX tăng 1,26% và chỉ số CAC 40 tăng 1,05%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên lao dốc mạnh trước đó của phố Wall đã khiến chứng khoán Nhật Bản và chứng khoán Hồng Kông lao dốc theo trong phiên cuối tuần qua, trong đó chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại giữ được sự ổn định nhờ kết quả lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp tăng trưởng.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 232,22 điểm (-1,18%), xuống 19.470,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 296,65 điểm (-1,08%), xuống 27.047,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,29 điểm (+0,01%), lên 3.268,72 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm thứ 5 liên tiếp khi mất 1,31%, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc hồi phục trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Trong đó, chỉ số Hang Seng tăng 0,61%, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 1,88%.
Trong khi đó, giá vàng quay đầu giảm nhẹ do áp lực chốt lời, dù đồng USD giảm mạnh.
Kết thúc phiên 18/8, giá vàng giao ngay giảm 3,3 USD/ounce (-0,26%), xuống 1.284,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,4 USD (+0,03%), lên 1.286,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,1 USD/ounce (-0,16%), xuống 1.290,3 USD/ounce.
Chịu áp lực chốt lời, giá vàng đã chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 0,35%, giá vàng tương lai giao tháng 8 gỉam 0,26% và giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,36%.
Tuy nhiên, với diễn biến mới về tình hình chính trị tại Mỹ, giới đầu tư và phân tích vẫn đánh giá cao về xu hướng tăng của giá vàng trong tuần này, thậm chí còn mạnh hơn nhiều so với tuần trước.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 18 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 14 người, chiếm 78% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn con số 53% của tuần trước. Chỉ có 2 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 11%, tương đương tuần trước. Đây cũng là số người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Tương tự, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 986 người tham gia, trong đó có 645 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 65%, cao hơn nhiều còn số 47% của tuần trước; 280 người, chiếm 28% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn so với con số 31% của tuần trước; 61 lượt, chiếm tỷ lệ 6% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp với mức tăng tới 3% trong phiên cuối tuần do đồng USD giảm và số giàn khoan của Mỹ trong tuần trước giảm 5 giàn, đưa tổng số giàn khoan xuống còn 763 giàn.
Kết thúc phiên 18/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,42 USD/thùng (+2,93%), lên 48,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,69 USD (+3,21%), lên 52,72 USD/thùng.
Dù tăng trở lại trong 2 phiên cuối tuần, nhất là phiên cuối tuần qua, nhưng giá dầu thô Mỹ vẫn có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,63%, trong khi giá dầu thô Brent lại hồi phục trở lại với mức tăng 1,19%.