Chứng khoán đón sóng: NĐT nổi lòng tham

Chứng khoán đón sóng: NĐT nổi lòng tham

Lòng tham dường như đang quay lại trên thị trường chứng khoán (TTCK) khi chứng khoán liên tục có sóng giá. Hàng trăm cổ phiếu tăng trần với khối lượng giao dịch tăng vọt. Nhiều người đang kỳ vọng vào 1 đợt tăng mới sau nhiều tuần lao dốc buồn tẻ.

"Mua xanh" thay cho "bán đỏ"

 

Trái ngược với tình cảnh cổ phiếu bán không có mấy người mua hoặc mua ở mức giá rất thấp, thường là giá sàn hoặc trên giá sàn 1 ly, phiên giao dịch ngày 19/7 đã chứng kiến sự bùng nổ TTCK sau khoảng 2 tháng ảm đạm. Các thông tin tích cực cùng với những phân tích kỹ thuật hỗ trợ khá mạnh đã khiến giới đầu tư đổ dồn tiền mua cổ phiếu với hy vọng TTCK sẽ đón 1 đợt sóng mạnh nữa sau con sóng kéo dài 4 tháng đầu năm 2012.

 

"Khối lượng giao dịch tăng vọt cho thấy khả năng bull-trap là rất thấp. Hôm nay là ngày mà một lượng không nhỏ cổ phiếu trao tay hôm 13/7 về tài khoản, nhưng thị trường đã không bị dìm xuống mà và lại quay đầu tăng rất mạnh. Các cổ phiếu bán ra đều được hấp thụ hết - một tín hiệu rất tốt", ông Thành, 1 nhà đầu tư tại quận Thanh Xuân, HN nhận xét.

 

Ông Thành cho biết, sau nhiều lần bắt đáy và buộc phải bán đỏ (bán ở mức giá đỏ, giá dưới tham chiếu) để cắt lỗ, hôm nay ông đã chấp nhận mua đuổi ở mức giá xanh và đây là 1 quyết định sáng suốt bởi tới cuối phiên hàng trăm mã đã chốt ở mức giá trần.

 

"Mấy tuần gần đây, đa số các nhà đầu tư đều không chấp nhận mua giá xanh. Ai có ý định bắt đáy đều đặt giá ở mức rất thấp nhưng thông thường vẫn lỗ bởi thị trường thuận 1 chiều đi xuống. Hôm nay thị trường đã có những phản ứng rất khác, lệnh mua được tung vào tới tấp, ở mức giá được nâng dần lên. Đang có 1 làn sóng mua vào sau khi thị trường đón nhận 1 loạt các thông tin tốt lành", ông Thành chia sẻ.

 

Chứng khoán đón sóng: NĐT nổi lòng tham ảnh 1Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn cho rằng, TTCK sắp có có 1 đợt bùng nổ điên đảo

 

"Nhìn lệnh ăn hàng sao giống đầu 2009 thế. Nó đang tái hiện tình trạng cướp cổ như đã nhiều lần diễn ra trước đây. Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam là vậy, thường chỉ chơi theo sóng. Khi có sóng thì cùng nhau lao vào. Sự cộng hưởng là rất lớn. Và nếu đúng như vậy, từ lúc này trở đi thị trường sẽ không còn cảnh giao dịch vài trăm tỷ đồng", ông Tuyên - 1 nhà đầu tư dự đoán.

 

Theo nhà đầu tư này, thị trường vừa đón 1 số tin tốt và có thể sẽ còn có nhiều tin "khủng" được đưa ra trong vài ngày tới. Và khi mà 2 chỉ số HNX-Index và VN-Index vọt qua các ngưỡng 72 và 420 điểm, thì tiền sẽ vào thị trường như mưa.

 

Trong phiên giao dịch 19/7, TTCK tập trung của Việt Nam bất ngờ quay đầu tăng rất mạnh với gần 200 mã tăng hết biên độ cho phép. Chỉ số VN-Index (của sàn TP.HCM) tăng 9,55 điểm lên 428,38 điểm, trong khi HNX-Index (của Hà Nội) tăng 2,7% lên 72,93 điểm. Chỉ số HNX30-Index, đại diện cho những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất trên sàn Hà Nội, thậm chí tăng tới 4,23%. Hơn thế, giống như các đợt sóng tăng trước đây, cổ phiếu nhóm chứng khoán và tài chính đang dẫn dắt thị trường.

 

Tâm lý vẫn chi phối

 

Giải thích cho sự đi lên của nhiều cổ phiếu trong vài ngày qua, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Kim Eng cho rằng, TTCK đã phản ứng rất tích cực với thông tin giảm lãi suất.

 

Không chỉ dừng lại ở lý do lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cho rằng, TTCK đang có được sự cộng hưởng rất lớn của hàng loạt thông tin tích cực. Trong đó, đáng kể nhất phải kể tới là sự giải tỏa tâm lý bi quan của giới đầu tư.

 

Nếu như trước kia, giới đầu tư rất bi quan với thực tế nền kinh tế mất cân bằng có thể kéo dài sang năm 2012 và các doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn hơn nhiều trong năm nay, thì những con số về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều công ty niêm yết đang làm giảm bớt nỗi lo này.

 

Chỉ vài tuần trước đây, nhiều nhà đầu tư cho rằng khối các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ có kết quả kinh doanh quý II/2012 khá tồi tệ, thì thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Khá nhiều công ty làm ăn có lãi ấn tượng. Mặc dù thực tế không ít CTCK có doanh thu tụt giảm nghiêm trọng nhưng xét chung thì tình hình không bi đát đối với nhóm các công ty dẫn đầu.

 

Các doanh nghiệp niêm yết khác cũng có kết quả kinh doanh quý II tích cực hơn so với dự báo trước đó. Xét riêng trong ngày 17/7, trong số 9 doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh thì có tới 6 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng cùng kỳ, chỉ có doanh nghiệp lỗ và 2 có lợi nhuận giảm.

 

Về tổng thể, nhiều yếu tố vĩ mô còn đáng lo ngại như tăng trưởng GDP thấp, tồn kho cao... nhưng nhìn chung có số lượng các yếu tố tích cực đang áp đảo như: lạm phát giảm, lãi suất giảm, cán cân thương mại tích cực, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng...

Một yếu tố mang tính chất hỗ trợ tâm lý nhưng rất quan trọng là phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khi trả lời báo chí nước ngoài về triển vọng tích cực của TTCK. Theo đó, Bộ trưởng Huệ cho rằng, "TTCK sẽ khởi sắc vào cuối quý 3 cùng với những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô."

 

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, những phát biểu của ông Huệ thường có trước có sau và có cơ sở. Phát biểu này vừa thể hiện sự tính toán và nó còn thể hiện cả quyết tâm của lãnh đạo trong việc phát triển TTCK trở thành 1 kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ trước đó.Ư

 

Khá nhiều lý do được các nhà đầu tư dẫn ra cho dự đoán vào một đợt tăng mới của TTCK. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến tỏ ra vẫn bi quan và họ cho rằng TTCK Việt Nam còn rất nhiều điều phải xem xét. Theo đó, TTCK phụ thuộc vào các doanh nghiệp vào nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, có không ít dự báo lo ngại về kinh tế 6 tháng cuối năm với hàng loạt sẽ tiếp tục phá sản.

 

Những vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải rất nhiều như nợ xấu ngân hàng, bong bóng tài sản (trong đó có bất động sản), tham nhũng... Những vấn đề này mang tính xâu chuỗi, kéo dài và có quan hệ hữu cơ với nhau và nó được hình thành sau nhiều năm nên để giải quyết cũng cần nhiều năm.

 

Vấn đề thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các công ty niêm yết, các CTCK dù giờ không còn phải quá lo ngại nhưng trên thực tế vẫn sẽ có những tác động tới thị trường. Một điều quan trọng nữa là TTCK vẫn chịu chi phối rất nhiều bởi yếu tố tâm lý và bầy đàn. Nhiều người coi chứng khoán chỉ là môi trường đầu cơ, không phải đầu tư lâu dài ăn cổ tức. Đây là yếu tố khiến TTCK có thể bùng nổ tăng rất nhanh nhưng cũng lịm đi ngay nhanh chóng.